Mỹ phẩm

6 cách xử lý khéo léo khi bị chèn ép nơi công sở

Có lẽ bất kỳ ai khi bước chân tới văn phòng đều mong muốn được làm việc trong một môi trường lành mạnh, thân thiện và vui vẻ. Thế nhưng không phải lúc nào thực tế cũng giống như mong ước, nhất là khi bạn không may trở thành nạn nhân của những kẻ bắt nạt, chèn ép nơi công sở.

Hiện vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng cho hành vi chèn ép, bắt nạt nơi công sở, nhưng nó được hiểu nôm na là những hành động, cử chỉ, thái độ, ngôn từ hướng tới việc hạ thấp, đe doạ, nhục mạ hoặc thao túng, cô lập một cá nhân nào đó tại nơi làm việc. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và khả năng làm việc của nạn nhân, những kẻ bắt nạt được coi là mối đe doạ đối với môi trường làm việc của doanh nghiệp. Vậy chúng ta nên làm gì khi bị bắt nạt, chèn ép nơi công sở?

Nếu không may rơi vào tình huống bị chèn ép, bắt nạt tại nơi làm việc, dưới đây là 6 cách xử lý khéo léo có thể giúp bạn vượt qua tình trạng này.

Cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM

Vạch rõ giới hạn của mình

Một điều rất quan trọng mà bạn cần nắm rõ: Kẻ chèn ép bạn sẽ không lùi bước nếu bạn im lặng hoặc chịu đựng. Thay vào đó, một thái độ phản ứng rõ ràng là vô cùng quan trọng để bạn vạch ra giới hạn cho mình. Hãy thẳng thắn cảnh báo cho đối tượng biết rằng bạn đang để ý những hành động của họ hướng tới mình, và họ nên dừng lại trước khi quá muộn. Bạn hãy thể hiện rõ cho đối phương biết rằng mình đang bật cơ chế phòng thủ để có thể sẵn sàng đối phó với họ nếu cần. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, động thái này khiến kẻ bắt nạt nhận ra bạn không phải một “nạn nhân” yếu đuối và họ sẽ cẩn trọng hơn với bạn.

Không đôi co và trả đũa, tập trung vào công việc của mình.

Rất nhiều người có phản ứng tiêu cực quá mức khi nhận ra rằng họ đang bị chèn ép, bắt nạt tại nơi làm việc. Họ sẵn sàng trả đũa, đôi co, tranh cãi công khai với đối thủ mà không biết rằng việc này chẳng giải quyết được tận gốc vấn đề. Trái lại, “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, cả hai sẽ lún sâu vào xung đột và nạn nhân dễ dàng bị chuyển thành người có lỗi mặc dù động cơ ban đầu của họ chỉ là để phòng vệ. Chính vì thế, bạn không nên trả đũa lại kẻ chèn ép mình với bất kỳ lý do nào mà nên giữ thái độ bình tĩnh, cứng rắn và chuyên nghiệp cho đến cuối cuộc chơi. Tập trung tối đa vào công việc cũng sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối, thị phi không đáng có.

Tìm hiểu lý do

Để đối phó lại kẻ bắt nạt, bạn nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và động cơ của họ. Tại sao họ làm như vậy? Tại sao bạn lại trở thành mục tiêu? Liệu có thể có những nạn nhân khác nữa? Việc trả lời những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình của mình để từ đó đưa ra đối sách thích hợp.

Ghi lại mọi bằng chứng

Nếu bạn cho rằng mình đang bị chèn ép, bắt nạt một cách vô cớ, việc ghi lại những bằng chứng cụ thể là vô cùng quan trọng để bạn bảo vệ bản thân. Hãy ghi lại những tin nhắn, cuộc gọi thoại, email từ kẻ bắt nạt, ghi lại ngày giờ, thời điểm diễn ra các hành vi, cử chỉ hoặc câu nói ác ý cũng như những nhân chứng có mặt. Bạn hãy cố gắng tìm một người có thể trở thành nhân chứng cho mình khi rơi vào tình huống bị chèn ép. Những bằng chứng này sẽ là cơ sở quan trọng để bạn chứng minh được tình trạng của mình với cấp trên hoặc người có thẩm quyền xử lý.

 Phản ánh lên cấp trên hoặc người có thẩm quyền

 Một khi sự việc đã đi quá giới hạn, hoặc dàn xếp cá nhân giữa hai người không hiệu quả, đã đến lúc bạn nên hành động. Hãy tìm đến người có thẩm quyền giải quyết, có thể là cấp trên hoặc phòng nhân sự, để phản ánh tình trạng của mình, kèm theo các bằng chứng cụ thể đã thu thập. Hãy giữ bình tĩnh và sự thận trọng, bạn không nên quá bức xúc hay kể lể kèm với yêu cầu rằng kẻ kia sẽ bị trừng phạt ngay lập tức. Thay vào đó, bạn nên kiên trì và tỏ rõ quan điểm của mình đến cùng, đồng thời chứng minh rằng mọi việc do kẻ bắt nạt làm đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường làm việc và văn hóa công ty. Hãy tin tưởng rằng người đang lắng nghe bạn sẽ đứng về phía bạn, giúp bạn giải quyết tình trạng này, đơn giản bởi điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới công ty của họ.

 Có sự chuẩn bị cho những tình huống xấu

Bên cạnh các biện pháp đối phó trên, bạn cũng nên đặt ra cho mình những phương án phòng bị trong các tình huống xấu nhất. Sẽ thế nào nếu tình hình không thể cải thiện? Bạn có sẵn sàng rời bỏ chỗ làm hay chuyển sang bộ phận, chi nhánh khác? Nếu ở lại, bạn có thể tiếp tục làm việc tốt? Hãy chuẩn bị một tâm thế vững vàng, suy nghĩ tích cực để đối phó với mọi tình huống xảy ra, điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua khó khăn và lấy lại cân bằng cho bản thân mình tại nơi làm việc.

Ngân Linh

 

 

Chia sẻ bài viết này