Học hành

6 cách để lời nói của sếp “có uy” với nhân viên

“Uy” của người lãnh đạo không phải tự nhiên mà có, phần nhiều do được rèn luyện và kinh qua thực tế tạo thành. Lời nói của sếp cũng vậy, để “có uy” và khiến nhân viên quy phục thực lòng đều cần sếp có các kỹ năng quản lý cần thiết, hành động, ứng xử đúng mực, hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Dưới đây là 6 cách giúp các sếp được nhân viên nể trọng và nghe theo mà bạn có thể tham khảo.

Nói được làm được

Đối với một người bình thường, nói được mà không làm được cũng đã khiến người khác coi thường, không tin theo, nghe theo. Đối với người lãnh đạo, điều này lại càng tối kị. Người chỉ biết nói mà không biết làm sẽ là một vị sếp thất bại thê thảm nhất. Vì khi đó lời nói của mình với người khác, ngay cả nhân viên cấp dưới cũng không có giá trị gì cả.

Do đó, muốn nhân viên tôn trọng và nghe theo một cách thuyết phục, sếp phải là người có lời nói và hành động đi đôi với nhau, giữ lời hứa và thực hiện theo các thỏa thuận một cách nghiêm túc. Có như vậy nhân viên mới thực sự nể trọng và tuân theo lời quản lý tuyệt đối.

Tôn trọng và lắng nghe nhân viên

Một người lãnh đạo bảo thủ và cố chấp không biết lắng nghe ý kiến của nhân viên dễ đưa ra các quyết định sai lầm, hoặc là có những giải pháp chưa thực sự tốt. Chưa kể, khi nói nhân viên sẽ miễn cưỡng nghe theo nhưng trong lòng không nể phục. Ngoài ra, sếp có thái độ thiếu tôn trọng, coi nhân viên thấp hơn mình thường sẽ không tạo được lòng tin và yêu quý từ nhân viên.

Do đó, muốn nhân viên lắng nghe và toàn tâm đồng ý, trước hết sếp phải là người biết tôn trọng, lắng nghe nhân viên, dù họ là ai, được tuyển dụng cho bất cứ vị trí công việc nào trong công ty.

Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, tôn trọng và thấu cảm mong ước của nhân viên cũng chính là cách mà các nhà lãnh đạo hiểu hơn về nhân viên của mình từ đó có những cách hành xử đúng đắn, hợp lòng người, khi đó lời nói của mình thực sự “có uy”.

Đúng người đúng việc

Là một người quản lý hẳn bạn phải hiểu rõ đội ngũ nhân viên của mình. Đó là cách giao công việc phù hợp với từng cá nhân, từng khả năng và vị trí của họ đảm nhận, cách phản hồi hiệu quả tới nhân viên… Nói đúng vấn đề cần nói, giao việc đúng người, đúng vị trí và trách nhiệm.

Điều này rất quan trọng. Vì nếu làm việc với một vị sếp mà sẵn gì nói nấy, nói những điều không phù hợp hoặc giao việc không đúng người thì vô tình sẽ làm nhân viên chán ngán, thiếu tôn trọng và không nghe theo hoặc nghe theo nhưng không thật sự nể phục.

Công minh, công bằng, và biết thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm

Cách hành xử này cũng là yếu tố quyết định nhân viên có tôn trọng lãnh đạo của mình hay không. Một vị sếp hành xử công tâm, minh bạch bao giờ cũng sẽ làm nhân viên nể trọng.

Bên cạnh đó, chính bản thân người lãnh đạo, trong công việc, đôi khi không thể tránh khỏi sai lầm, nếu không may rơi vào tình huống sai sót nào đó, cách tốt nhất là thẳng thắn nhận lỗi và sửa chữa ngay tức khắc, không đổ lỗi cho người khác hoặc tìm các lý do biện minh. Có như vậy sếp mới “có uy” để điều chỉnh được những lỗi lầm của nhân viên.

Nhân viên phải được nhận giá trị tương xứng công sức mình bỏ ra

Hãy để nhân viên được nhận giá trị tương xứng với sức lao động của mình. Nếu làm việc mà không được ghi nhận thì bất cứ nhân viên nào cũng sẽ chán nản với công việc và bất mãn với sếp của mình. Khi đó lời nói của sếp dù có hay, có lí như thế nào cũng chẳng có giá trị gì cả.

Sếp nên thực thi các điều khoản về chế độ lương thưởng và các điều kiện kèm theo một cách nghiêm túc. Điều này cho nhân viên thấy sức lao động của mình được ghi nhận và trả công xứng đáng. Họ hiểu rằng mỗi việc mình làm đều được sếp thẩm định đánh giá do đó sẽ nỗ lực và có trách nhiệm hơn. Lời nói của sếp cũng trở nên uy quyền vì họ biết rằng sếp rất quan tâm đến lợi ích của nhân viên.

Học hỏi không ngừng

Cuộc sống là dòng chảy tiến về phía trước, luôn có những kiến thức mới phải cập nhật để áp dụng cho công việc. Hãy là một người quản lý chuyên nghiệp không ngừng học hỏi kiến thức mới để trở nên tiến bộ từng ngày. Cùng với kinh nghiệm, những kiến thức mới sẽ giúp ích cho công việc. Khi có kiến thức chuyên môn tốt, người quản lý có thể dễ dàng quản lý nhân viên của mình và giải quyết các vấn đề thấu đáo nhất.

Làm quản lý có nghĩa là bạn phải đối mặt với nhiều thử thách, trong đó có việc tạo dựng được lòng tin cậy và tôn trọng nơi nhân viên. Để quản lý hiệu quả, lời nói của sếp phải thực sự có giá trị, “có uy”. Học hỏi và thực hành theo 6 bí quyết trên sẽ giúp những người làm quản lý thực hiện tốt hơn vai trò của mình, để công việc thuận lợi và phát triển bản thân ngày càng cao.

 

                                                                                                      Đặng Hảo

 

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết này