6 bí quyết nói lời xin lỗi nơi công sở
Công sở là nơi làm việc, hợp tác cùng nhau và đôi khi chúng ta không thể tránh khỏi những lúc mắc lỗi với đồng nghiệp, với cấp trên… Quan trọng là sau khi phạm sai lầm, bạn nên nói lời xin lỗi sao cho khéo léo, hạn chế sự tổn thương cho đối phương, đồng thời giữ vững mối quan hệ đồng nghiệp được tốt đẹp vững bền. Một số bí quyết sau đây sẽ giúp bạn thực hiện tốt các mục tiêu này nếu chẳng may phạm phải sai lầm, hãy cùng tham khảo nhé!
Tìm kiếm thông tin việc làm uy tín tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
Nói lời “Tôi xin lỗi” rõ ràng và thẳng thắn
Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng nhiều người xin lỗi nhưng không thực sự nói ra ba từ này. Dù biết rằng thật khó khăn khi phải nói lời xin lỗi người khác nhưng khi mắc lỗi, không có cách nào hơn là đối diện và tìm cách giải quyết lỗi lầm của mình. Nói lời xin lỗi không làm cho bạn thấp kém hơn người khác, ngược lại, nó thể hiện sự hối hận về hành động của bạn. “Tôi đã nhận ra mình đã phạm phải sai lầm” hay “Tôi biết là bạn đã bị tổn thương” là cách mở đầu hay nhưng không thực sự mang ý nghĩa tương tự như “Tôi xin lỗi”. Bất kể chuyện gì xảy ra hoặc tình hình nghiêm trọng đến mức nào, nếu bạn phạm lỗi, hãy nói “Tôi xin lỗi” bằng thái độ chân thành. Không bao giờ nói điều này khi bạn xem đó là cách để kết thúc mọi chuyện.
Trưởng phòng Nhân sự Careerlink.vn chia sẻ thêm, tính kịp thời cũng rất quan trọng ở đây. Hãy nói lời xin lỗi ngay khi bạn nhận ra mình đã sai nhé.
Cụ thể khi nhận lỗi
Hãy cụ thể về điều bạn đã làm sai và cho thấy thấy rằng bạn hiểu sai lầm của bạn có thể dẫn đến hậu quả như thế nào. “Phần thưởng” cho điều này là nó giúp bạn chịu trách nhiệm về phần của mình trong những điều đã xảy ra, mà không phải chịu trách nhiệm tổng thể bao gồm các vấn đề khác không liên quan.
Thể hiện sự chân thành qua ngôn ngữ cơ thể
Bạn biết không, ngôn từ chỉ truyền tải 7% thông tin và bạn muốn gửi đi, còn lại chính là các biểu hiện của cơ thể. Vì thế khi xin lỗi, bạn nên đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu, ánh mắt cũng phải thể hiện điều đó. Hãy thử tưởng tượng, nếu ai đó nói xin lỗi bạn trong khi mắt lại hướng về hướng khác và đầu ngẩng cao thì bạn có tin rằng họ thực sự hối lỗi? Thay vào đó, hãy nhìn vào mắt của người mà bạn nói chuyện. Đừng cười và cũng đừng nhìn chằm chằm vào họ.
Tránh đưa ra cái cớ để biện hộ
Một điều cực kỳ bản năng là chúng ta thường đỗ lỗi cho điều gì đó khiến chúng ta gây ra lỗi lầm bởi ai cũng sợ trông mình sẽ tệ hơn. Thế nhưng nói lời xin lỗi đúng nghĩa là thừa nhận bạn đã sai và nhận trách nhiệm. Nếu quanh co biện hộ bằng các lí do khác nhau sẽ làm cho người nghe cảm thấy bạn chưa thực sự nhận ra lỗi lầm của mình, từ đó vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn.
Vì vậy, khi bạn có khuynh hướng nghĩ đến một cái cớ, hãy chống lại sự thôi thúc đó. Thẳng thắn thừa nhận thiếu sót và hậu quả mà mình đã gây ra là cách làm dịu sự giận dữ. Có thể đôi khi bạn nhận được sự im lặng khó xử sau lời xin lỗi nhưng cần chấp nhận rằng mọi thứ sẽ không trở lại như lúc ban đầu ngay lập tức.
Đề xuất cách khắc phục
Bạn đã xin lỗi nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó mà cần tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ cẩn thận khi thực hiện điều này. Những lời hứa trống rỗng sẽ gây hại nhiều hơn là tác động tích cực. Bởi vì bạn cảm thấy có lỗi, bạn có thể bị cám dỗ để đưa ra những gì chưa hợp lý để khắc phục, vậy nên chỉ hứa những điều bạn có thể thực hiện.
Cam kết rằng lỗi lầm này sẽ không bao giờ xảy ra nữa
Đây là điều rất quan trọng bởi bạn đang trấn an người khác rằng bạn sẽ thay đổi hành vi của mình, giúp xây dựng lại niềm tin và cải thiện mối quan hệ. Hãy chắc chắn bạn tôn trọng cam kết này trong tương lai. Nếu lời hứa của bạn chỉ như “gió thổi mây bay”, cấp trên và đồng nghiệp sẽ nghi ngờ về danh tiếng cũng như sự đáng tin cậy của bạn.
Hảo Đặng