Bất động sản

4 thời điểm bạn nên yêu cầu sự giúp đỡ

 Yêu cầu sự giúp đỡ là chuyện nên làm để bảo đảm tiến độ công việc chung bởi dù là người giỏi chuyên môn, kinh nghiệm ra sao thì đôi lúc cũng phải rơi vào tình thế “bí”. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink cho rằng bạn nên chủ động lên tiếng khi cần sự giúp đỡ từ đồng nghiệp hoặc cấp trên, nhưng bạn cần chọn đúng thời điểm chứ không thể nhờ vả một cách vô tội vạ.

Dưới đây là 4 thời điểm mà bạn nên yêu cầu sự hỗ trợ để giải quyết vấn đề cùng với cách đề nghị mà không tạo sự khó chịu cho người khác, hãy cùng tham khảo nhé!

Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại careerlink.vn

Khi bản thân đang “lạc đường”

Trường hợp đầu tiên chắc chắn là khi bạn trong tình thế vô cùng khó xử, đó là đang “lạc đường”. Nghĩa là bạn không trả lời thấu đáo cho các câu hỏi tiêu biểu như “lựa chọn thế nào, triển khai ra sao”. Điều này là diễn ra phổ biến nếu bạn là “lính mới” hoặc đang nhận một nhiệm vụ đầy thử thách.

Không khác gì hành hạ bản thân nếu cố gắng mù quáng để thực hiện một công việc mà bạn không hiểu. Nếu làm điều đó, rất có thể bạn sẽ không đạt được kết quả như mong đợi đồng thời lãng phí thời gian của mình và người khác. Thêm vào đó, bạn sẽ trông giống như người bướng bỉnh và bất tài. Vì vậy, hãy hít thở thật sâu và tiếp cận người giám sát hoặc đồng nghiệp để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, chẳng hạn “Tôi cảm thấy hơi bối rối về các chi tiết của dự án X. Chúng ta có thể dành một chút thời gian ngồi lại để nói rõ hơn một số vấn đề để đảm bảo rằng chúng ta có cùng chung suy nghĩ hay không?”

Nhiều dealine dồn dập cùng lúc

Đôi lúc bạn sẽ rơi vào tình trạng “núi việc” và bị hối húc bởi nhiều deadline cùng lúc. Bạn đã đến giới hạn của mình và bạn biết rằng, hoàn toàn không có cách nào để bạn hoàn thành mọi thứ trước hạn chót ngay cả khi bạn làm việc vào cuối tuần trong vài ngày tới. Đây là lúc bạn cần yêu cầu sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Bạn có thể cảm thấy như mình đang trốn tránh trách nhiệm nhưng thực tế ai cũng đã từng ở trong tình huống này ít nhất một lần trong đời. Chỉ cần chắc chắn ghi nhớ và trả ơn đồng nghiệp khi họ cảm thấy bị “choáng ngợp” bởi các nhiệm vụ. Một lời đề nghị như “Nếu có thời gian, bạn có phiền không khi giúp tôi về khía cạnh Y của dự án này không? Tôi biết bạn rất giỏi trong lĩnh vực này và tôi thực sự đánh giá cao sự giúp đỡ và tầm hiểu biết của bạn” sẽ nâng cao cơ hội được sự giúp đỡ.

Đang rối bời vì sai lầm

Mắc sai lầm là điều bình thường nhưng quan trọng là cách bạn hành động sau đó. Điều tệ nhất là bạn có thể làm là tìm cách che giấu để không ai nhận ra. Thay vì vậy, hãy liên lạc ngay với người có thể hỗ trợ tốt nhất.

Hãy can đảm thừa nhận sai lầm của bản thân trước nhất, sau đó hãy trình bày chi tiết toàn bộ diễn biến và xin lời khuyên từ người được hỏi. Thật khó khăn để thừa nhận sai sót, nhưng điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu hậu quả công việc, cũng như nêu bật tính trách nhiệm cần có. Chẳng hạn “Tôi rất lấy làm tiếc vì đã làm hỏng… và bây giờ tôi cần… để sửa đổi. Tôi rất xin lỗi về sự nhầm lẫn và tạo ra thêm vấn đề rắc rối. Tôi rất cảm kích nếu được bạn giúp đỡ và tôi tin kết quả sẽ khả quan hơn.”

Lúc cần thêm kiến thức mới hoặc ý kiến của người có khả năng chuyên môn

Bên cạnh chuyện “lạc đường” thì vẫn có những trường hợp rằng bạn đủ năng lực thực thi, nhưng hiểu rằng sự hỗ trợ của đồng nghiệp sẽ đem lại kết quả khả quan hơn. Lúc này đừng bao giờ ngần ngại yêu cầu họ cho vài lời khuyên và “tận dụng” tài năng của họ. Điều này không chỉ giúp cho công việc của bạn đạt được kết quả tốt nhất có thể mà còn thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên với nhau. Lần tới, khi rơi vào tình huống này, hãy thử đề nghị “Tôi đang thực hiện dự án Z và tôi rất ngưỡng mộ kiến thức của bạn về lĩnh vực này. Chúng ta có thể ngồi lại để đưa ra một số ý tưởng cùng nhau không? Tôi thực sự nghĩ rằng đóng góp của bạn có thể đưa dự án này lên một tầm cao mới”.

 Trung Thành

 

Chia sẻ bài viết này