Chìa khoá vàng “tương kính như tân”
Bắt đầu từ sự “bước ra xã hội” của người phụ nữ mà vai trò, vị trí của nữ giới và nam giới trong gia đình ngày nay đang dần thay đổi. Giữ hạnh phúc, xây dựng hôn nhân bền vững là vấn đề cần được mọi người quan tâm.
Ngôi nhà cần nhiều trụ cột
Chia sẻ tại Tọa đàm “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình” do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức tháng 3/2017, Tiến sĩ Bích Hồng, Giảng viên khoa tâm lý trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định: Nhân cách, quan điểm sống của một người chịu ảnh hưởng phần lớn từ phía gia đình. Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc sẽ có cái nhìn lạc quan về cuộc sống và hôn nhân. Người trẻ đó có kinh nghiệm tốt để bước vào hôn nhân hạnh phúc hơn và ngược lại. Gia đình hạnh phúc tạo nên những con người hoàn thiện về nhân cách và có bản lĩnh để có thể sống hạnh phúc. Vì thế xây dựng gia đình hạnh phúc cũng chính là cách để góp phần phát triển xã hội và cộng đồng. Trong xã hội ngày nay, vị trí của người phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Phụ nữ ngày nay ra ngoài làm việc xã hội. Họ cũng đóng góp vào kinh tế gia đình như những người đàn ông đồng thời vẫn nuôi dạy con cái và chăm lo cho tổ ấm gia đình. Cần có những cái nhìn khác đi để có sự thay đổi trong việc phân công vai trò phụ nữ và nam giới trong gia đình.
“Cha tôi dạy rằng thời nay “đàn” nào cũng đi làm. “Đàn” nào về sớm thì chăm con, nấu cơm, giặt quần áo…” một phụ nữ trung niên tham gia tọa đàm chia sẻ. Thực tế cho thấy, gia đình nào có sự chung tay của cả chồng và vợ trong mọi việc, từ đóng góp kinh tế đến nuôi dạy con cái, vun vén gia đình thì gia đình ấy có hạnh phúc. Nhiều người tán thành với ý kiến cho rằng một ngôi nhà cần nhiều “trụ cột” chứ không phải chỉ cần một người trụ cột như quan niệm trước đây. Tuy vậy, nhàm chán là điều mà người ta nghĩ đến đầu tiên khi nói về các cuộc hôn nhân 10 – 20 năm. Hơn thế, cuộc sống hiện nay có quá nhiều “cám dỗ” khiến cho hạnh phúc gia đình bị đe dọa. Các ý kiến đều đồng tình với quan điểm chiếc “chìa khóa vàng” của hôn nhân chính là câu “tương kính như tân”. Lời khuyên từ xưa của ông bà với con cháu: phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cách cư xử, trang phục… cả khi ở trong gia đình lẫn khi ra ngoài xã hội chưa bao giờ trở nên lỗi thời. Cứ đối xử với nhau như thuở ban đầu, dù thời gian bao lâu. Mặt khác, người nào khéo “giữ thể diện” cho bạn đời của mình, người ấy càng có nhiều thế mạnh để duy trì và tạo ra hạnh phúc. “Phụ nữ cũng đừng quên “yêu” chính bản thân. Chăm lo đến sức khỏe, nhan sắc của bản thân và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, hiểu biết nhằm khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và bên ngoài xã hội”, một đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ.
Sai lầm núp bóng tình thương
Bên cạnh những ý kiến “kể tội” nam giới thì cũng có khá nhiều những ý kiến của nam giới chỉ ra những “căn bệnh” thời đại mà nhiều phụ nữ đang mắc phải. Một đại biểu nam giấu tên nêu thực trạng: “Nhiều chị em mê phim truyền hình quá mức, cứ giờ chiều là ngồi “canh” tivi chẳng thèm quan tâm đến cơm nước nhà cửa gì cả. Có những người vợ trẻ về đến nhà là “chúi mũi” vào chiếc điện thoại để chat với bạn ảo, quẹt quẹt ra vô các trang mạng quên hẳn chồng con ở bên cạnh…”Đó cũng là vấn đề chung của nhiều gia đình hiện nay. Các hoạt động gia đình luôn bị rối nhiễu bởi các thiết bị điện tử. Thạc sĩ Hà Trung Thành – giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM kể câu chuyện của chính ông và con gái. Vợ chồng ông từ việc ngăn cấm đến “sống chung” với các thiết bị điện tử vì không thể nào loại bỏ hoàn toàn chúng ra khỏi cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên theo ông, làm cách nào để kéo sự quan tâm của các thành viên về một mối lại là “chiêu” riêng của mỗi người, mỗi nhà. Thạc sĩ Hà Trung Thành dí dỏm chia sẻ: “Cái máy tính của chúng ta cài phần mềm nào nó sẽ hoạt động theo phần mềm đó. Tấm gương của bố mẹ chính là “phần mềm” đầu tiên cài đặt vào trí óc của con trẻ. Sẽ không có những đứa con vô cảm nếu cha mẹ nó luôn quan tâm lẫn nhau và quan tâm đến con cái”.
Hãy cho chồng “cơ hội” bận rộn là lời khuyên từ câu chuyện hôn nhân của một đại biểu nữ. Chị vốn là một phụ nữ chăm chỉ, luôn giành làm hết mọi việc. Chị bảo “vì thương chồng nên khả năng làm được gì là làm hết”. Sau bao nhiêu năm chung sống, chị mới nhận ra cái thương đó chính là sai lầm của mình. Khi chồng rảnh rỗi không có việc gì làm nên “hư” lúc nào chị không biết. May mắn là chị đã sớm nhận ra. Chị chủ động chia sẻ và hàn gắn đồng thời nỗ lực học hỏi để làm gương cho con, cháu của mình. Chị nói “Phụ nữ hãy tạo điều kiện cho chồng thể hiện vai trò, thể hiện bản thân khi đóng góp vào gia đình”. Theo anh Nguyễn Quốc Cường, gia đình muốn giữ “lửa” trước tiên phải có “lửa” – nền tảng mà đôi bạn trẻ thắp lên trong thời gian tìm hiểu nhau. Kết hôn là chuyện hệ trọng của cả cuộc đời, vì thế đừng cưới chỉ vì “yêu qua mạng” hay vì “tiếng sét ái tình” nào. Có lửa rồi thì nhiệm vụ giữ lửa là của cả hai vợ chồng. “Hãy học để làm vợ làm chồng, học để xây dựng cuộc sống hôn nhân, giữ gìn hạnh phúc. Càng học nghiêm túc, hôn nhân càng ít rủi ro” – Thạc sĩ Hà Trung Thành kết luận.
-> Những hành động quan tâm nhỏ có “sức nặng” lớn trong việc nuôi dưỡng tình cảm vợ chồng
là kinh nghiệm từ một cặp vợ chồng U70. Bà kể bà luôn nhớ mua báo cho chồng mỗi sáng đi chợ vì biết ông thích đọc báo. Trong khi đó, bà ngồi đâu cũng được ông quay quạt ra hướng ấy. Một tiếng “dạ” ngọt ngào của bà cũng đủ để ông cảm thấy ấm áp.
-> Lắng nghe và đặt mình vào vị trí của người bạn đời là kinh nghiệm từ 12 năm hôn nhân của một cặp đôi trẻ là sinh viên trường ĐH Văn Hiến. Chị cũng cho rằng một tổ ấm đơn sơ nhưng “có lửa” cần được trân trọng hơn là nhìn sang nhà bên có nhà lầu, xe hơi để so sánh thì hạnh phúc dễ bị chao đảo.
-> Tiền bạc là niềm tin. Thạc sĩ Hà Trung Thành cho rằng trong gia đình, người nào giữ tiền không quan trọng. Thông thường, người giữ tiền thường là người có khả năng quán xuyến tốt hơn. Nói cách khác, người giữ tiền là người giữ “niềm tin” của người bạn đời. Trong khi đó, TS Bích Hồng cho rằng các cặp đôi có tài chính quy về một mối thì ở tuổi trung niên có cơ ngơi khang trang hơn các cặp đôi duy trì quỹ chung và quỹ riêng.