Mỹ phẩm

5 mẹo hay để tập cho con trẻ có thói quen tâm sự với bố mẹ

 Thật ra để khơi gợi thói quen chia sẻ của trẻ có thể được thực hiện vào bất kì lúc nào, chỉ cần bạn thực hiện chúng một cách thoải mái và tự nhiên nhất, để trẻ có thể tự tin kể ra câu chuyện của mình.

Đa phần trẻ con Việt Nam đều ít có thói quen chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống của mình với bố mẹ, nhất là ở độ tuổi thiếu niên. Điều này cũng có thể là do thói quen trong gia đình, khi mà bố mẹ không tập cho con cách chia sẻ, tâm sự những gì xảy ra ở trường, ở trong cuộc sống mà không có mặt bố mẹ ở đó. Vậy làm thế nào để bạn thực sự hiểu được con mình và biết được tất cả những gì diễn ra trong đời của chúng?

Đơn giản thôi, dưới đây là 5 cách tuyệt vời để bạn có thể tập cho trẻ thói quen chia sẻ những buồn vui với bố mẹ mỗi ngày:

5 mẹo hay để tập cho con trẻ có thói quen tâm sự với bố mẹ

Đừng chờ khi về đến nhà, hãy đặt câu hỏi ngay trên xe

Khi bạn lái xe chở con đến trường, đi chơi, hay bất kì đâu, cho dù là xe máy hay xe hơi, đó cũng đều là khoảng thời gian tuyệt vời để trẻ có thể giao lưu với bố mẹ. Tiến sĩ Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng gợi ý rằng, trẻ em có nhiều khả năng trả lời những câu hỏi bất ngờ ngay trên xe hơn là tại nhà. Vì sao? Vì khi đó không khí không quá căng thẳng (dù là cuộc nói chuyện hai người), trẻ cũng không cần phải nhìn vào mắt bố mẹ nên dễ dàng để mở ra câu chuyện của mình khi không có quá nhiều áp lực.

Không đặt câu hỏi với khả năng câu trả lời sẽ là 1 từ

Tiến sĩ Markham nói rằng nên đặt một câu hỏi tập trung và cụ thể, với khả năng cao là trẻ sẽ trả lời mở rộng hơn. Bởi vì vào cuối ngày, sau nhiều giờ học căng thẳng thì lúc này trẻ đang rất đói và mệt mỏi. Nếu bạn đưa ra một câu hỏi trọng tâm sẽ giúp trẻ trả lời chính xác hơn.

Hãy thử hỏi những điều tốt đẹp hoặc tồi tệ gì đã xảy ra trong suốt 5 tiết học, ở trường con cùng ai ăn trưa và chơi đùa, môn học mà con yêu thích là gì, hoạt động nào ở trường khiến con thấy chán và vì sao? Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết trong ngày với toàn bộ những gì đang diễn ra với trẻ và khiến trẻ thấy quan tâm.

5 mẹo hay để tập cho con trẻ có thói quen tâm sự với bố mẹ

Quan sát con trẻ

Trẻ con không phải lúc nào cũng dễ dàng để mở lòng. Tiến sĩ Markham đưa ra lời khuyên thế này: “Nếu con bạn không sẵn sàng cởi mở để trò chuyện, hãy chú ý đến sắc mặt và hành vi của trẻ khi trẻ nói chuyện với bạn. Sau đó hỏi con rằng: ‘Mẹ thấy con có vẻ mệt mỏi, con có muốn ở nhà nghỉ hôm nay không? Con có cần mẹ giúp gì không?’. Bằng cách đó, trẻ sẽ cảm thấy ấm áp và tin tưởng bố mẹ hơn”.

Đây là một trong những cách đơn giản giúp phá vỡ tảng băng trong lòng trẻ, để trẻ mở lòng mình hơn. Bằng cách trở thành bạn của con, từ đó cuộc trò chuyện giữa bố mẹ và con cái sẽ trở nên tự nhiên, thân thiết hơn do con đã có được lòng tin từ bố mẹ so với trước đó.

5 mẹo hay để tập cho con trẻ có thói quen tâm sự với bố mẹ

Để ý giọng nói của bạn: không nên nói chuyện như giảng đạo hoặc phản ứng thái quá

Đôi khi trẻ con chỉ muốn được chia sẻ những câu chuyện của mình hơn là bị giảng đạo. Nếu chúng có vấn đề thực sự, bạn có thể hỗ trợ chúng để giải quyết. Hỏi trẻ cảm thấy thế nào và có giải pháp nào để xử lí vấn đề không? Bố mẹ có thể giúp được gì? Cho phép trẻ tự tìm ra giải pháp riêng và tự mình đối diện với vấn đề – điều này sẽ làm trẻ trở nên tự tin và học được cách xử lí những việc của riêng bản thân mình.

 

Nghe và lặp lại

Đôi khi cuộc sống bận rộn đến mức chúng ta chỉ nghe được một nửa câu chuyện của ai đó nói với mình. Điều này làm cho người kể cảm thấy bản thân không quan trọng hoặc không được quan tâm. Do đó, chúng ta cần học cách lắng nghe nhiều hơn.

Trẻ con cũng cần nhận được sự lắng nghe và tôn trọng từ bố mẹ mình. Tiến sĩ Markham nói: “Lắng nghe và lặp lại một vài ý quan trọng mà trẻ vừa nói là cách tốt nhất để thể hiện cho trẻ thấy rằng bạn đang quan tâm và có phản ứng giao lưu đến câu chuyện của chúng”.

Nếu con bạn nói: “Con ghét giáo viên Toán”, bạn có thể nói rằng: “Những bạn khác thì sao con? Con có vẻ không thoải mái trong giờ Toán lắm nhỉ?”.

5 mẹo hay để tập cho con trẻ có thói quen tâm sự với bố mẹ

Bạn không cần can thiệp và cố giải quyết vấn đề thay con, bởi trẻ cũng muốn tự mình tìm ra giải pháp riêng. Ngay cả người lớn cũng thường tìm được lời giải cho những vấn đề khó khăn trong những cuộc nói chuyện tương tự.

Nuôi dạy con thì dễ, hiểu được lòng con mới khó. Thật ra để khơi gợi thói quen chia sẻ của trẻ có thể được thực hiện vào bất kì lúc nào, chỉ cần bạn thực hiện chúng một cách thoải mái và tự nhiên nhất, để trẻ có thể tự tin kể ra câu chuyện của mình. Ban đầu mọi thứ có thể khó khăn một chút nhưng khi được thực hiện thường xuyên, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái sẽ được cải thiện và phát triển ngay thôi.

Diên Vỹ

Chia sẻ bài viết này