Vân Nhi – Đặng Phương Thảo: Đôi bạn trẻ mong muốn làm sống lại “Lan & Điệp” trên sân khấu kịch
“Hoa nở hoa tàn” là tên vở kịch đầy hấp dẫn do nhóm bạn trẻ gồm đạo diễn Đặng Phương Thảo và nữ diễn viên – đạo diễn tương lai Vân Nhi quyết định thực hiện nhằm làm sống lại câu chuyện tình nổi tiếng “Lan & Điệp” vốn dĩ đã in sâu vào đời sống của bao thế hệ khán giả.
Có thể nói, với “Hoa tàn hoa nở”, câu chuyện tình Lan & Điệp quen thuộc như được khoác lên một sắc màu mới, chiếc áo mới đầy hơi thở hiện đại nhưng cũng lắm xót xa đã khiến cho những khán giả có mặt tại khán phòng của Sân khấu kịch Minh Nhí trong tháng 8 vừa qua không ai bảo ai, rộn vang những tràng mừng vỗ tay. Vở diễn đã chinh phục được người xem, lấy được tình cảm và nước mắt của họ bởi dàn diễn viên trẻ trung như Trúc Ly, Huỳnh Bá Thanh, Thanh Nhựt, Vân Nhi, Khải Ca, Trương Quỳnh, Thanh Tú, Xuân Phạm, Ngọc Châu, Tâm RED, Sammy Phan, Ngô Hiếu…
Vở diễn “Hoa nở hoa tàn” dựa theo tiểu thuyết lãng mạn “Tắt lửa lòng” – một trong những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan – từng được chuyển thể thành nhiều vở kịch, bản nhạc nổi tiếng, trong đó, kinh điển và nổi tiếng nhất chính là vở cải lương Lan & Điệp do soạn giả Trần Hữu Trang chuyển thể, trình làng vào năm 1936.
Nhắc đến mối tình sâu đậm và nổi tiếng của Lan & Điệp, đạo diễn Đặng Phương Thảo cho biết: “Nếu Phương Tây có chuyện tình Romeo và Juliet, Trung Hoa có Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài, thì Việt Nam có Lan và Điệp”. Có lẽ, vì hiểu được tác phẩm cũng như thấu cảm được câu chuyện tình lay động đến tâm can người tiếp nhận nên nữ đạo diễn trẻ đã dành mọi tâm huyết cũng như sự hi sinh cho nhân vật Lan và Điệp thêm một lần nữa được sống lại trên sân khấu kịch để phục vụ khán giả. Đặng Phương Thảo bày tỏ: “Tôi đã khóc khi nói với khán giả của mình “có thể mọi người sẽ khó được xem lại vở này nữa” vì bây giờ có mấy người sẽ chịu bỏ tiền mua vé đến xem dòng kịch bi. Tôi rất muốn “Hoa Nở Hoa Tàn” được sống . Có thể mọi người không tin, tôi sẽ chấp nhận thua lỗ lần nữa, miễn có khán giả đến đủ khán phòng để xem chúng tôi biểu diễn”.
Đặc biệt, vai nữ chính tên Lan do Đặng Phương Thảo thể hiện với những trường đoạn chia tay, phân ly cùng người yêu hay cảnh Thúy Liễu do Vân Nhi đóng lúc phát hiện chồng hờ hững, suốt ngày mê say hoa lan do thương nhớ hình bóng cũ đã thực sự chạm đến tim của tất cả khán giả.
Cùng trò chuyện bên lề vở diễn với 2 nhân vật chính của vở kịch:
- Diễn viên Vân Nhi (vai Thúy Liễu): ‘Tôi sợ có lỗi với nhân vật do mình thủ diễn’
Diễn viên Vân Nhi là gương mặt trẻ quen thuộc, từng tham gia một số phim như : Sóng Gió Cuộc Đời, Lọ Lem Thời @,Hoàng Hôn Ấm Áp, Vó Ngựa Trời Nam…. Với khán giả truyền hình, Vân Nhi từng được biết đến qua các chương trình: Cười chút chơi, Vui là chính… Hiện tại, ngoài diễn xuất trong vai trò diễn viên, Vân Nhi đang là sinh viên năm nhất khoa Đạo diễn điện ảnh của trường Đạ học Sân Khấu Điện Ảnh TPHCM.
– Vì sao bạn chọn dừng lại sự nghiệp diễn viên khi mọi thứ đang rất thuận lợi để rồi hôm nay quyết định tái xuất bằng vai diễn ấn tượng trong “Hoa tàn hoa nở”?
–Thực lòng Vân Nhi chưa bao giờ muốn dừng lại. Trong con người tôi, dòng máu nóng với diễn xuất với nghệ thuật chưa bao giờ ngưng nghỉ. Nhưng có lẽ, dừng lại… đó là một sự sắp xếp của Tổ nghiệp hay của số mệnh. Tôi tự hỏi, phải chăng đó chỉ là một dấu phẩy cho cuộc đời, cho hành trình đi đến với tình yêu và đam mê.
Trước đây, khi xa rời nghệ thuật, tôi chuyển qua làm việc cho một công ty tổ chức sự kiện, sau đó tôi mở tiệm phở, mở shop thời trang để kinh doanh. Tôi lao vào làm kinh tế, công việc cuốn lấy tôi… và rồi, tôi đối diện với thất bại. Năm 30 tuổi, tôi quyết định lên xe hoa. Chồng tôi là người Đài Loan. Tôi ngày dần xa với nghệ thuật và đến nay, tôi với ông xã của mình đã có được 2 thiên thần nhỏ bé. Tôi cảm giác lửa nghệ thuật trong lòng mình nó chỉ âm ỉ chứ không hề tắt… Cho đến một ngày, nó bỗng bùng phát trở lại và tôi đã trao đổi với chồng ý nghĩ quay lại nghệ thuật. Tôi thi và đậu vào ngành đạo diễn điện ảnh ở trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh TPHCM. Tôi biết rằng đã đến lúc mình cần và muốn sống trọn với đam mê, thế là tôi vun vén, thu xếp việc gia đình để được học và được làm nghề. May mắn, tôi đã được gặp lại đạo diễn Đặng Phương Thảo. Cảm thông, thấu hiểu cho đam mê của tôi, chị đã quyết định dàn dựng vở “Hoa nở hoa tàn”, trao cho tôi cơ hội đảm nhiệm vai thứ chính đầy đất diễn như Thúy Liễu. Có thể nói, đây là một vai diễn không hề dễ dàng một chút nào.
– Vậy bạn đã lo lắng như thế nào khi nhận được vai diễn này?
Như các bạn đã biết, tôi ngưng hoạt động nghệ thuật trên 10 năm. Trong khoảng thời gian đó tôi không hề diễn, tôi gần như là hoàn toàn thoát khỏi nghề. Điều này đồng nghĩa khả năng, kỹ năng diễn xuất của tôi đã không còn như xưa, kiểu như phải làm lại từ đầu. Tôi đã rất lo sợ và rất hồi hộp.
Tôi lo lắng rằng, nếu bản thân làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng của chị Thảo, làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến các bạn diễn khác. Và, nếu làm không tốt một lần nữa… bản thân sẽ thấy rất buồn. Điều tôi sợ nhất là nếu làm không tốt vai diễn, không hoàn thành đúng nhân vật, tôi sẽ cảm thấy vô cùng có lỗi với chính nhân vật Thúy Liễu.
- Đạo diễn Đặng Phương Thảo: “Tôi đã làm mới cho nhân vật Thúy Liễu”
– “Hoa nở hoa tàn” là một vở kịch do những người trẻ diễn nhưng lại rất thuyết phục người xem. Để thực hiện vở này, các bạn đã chuẩn bị nó ra sao?
–Vì nó là tác phẩm kinh điển, phản ánh thời cuộc, giai đoạn lúc bấy giờ, nên làm vệc với diễn viên là những người trẻ tôi phải lý giải cho họ hiểu rõ bối cảnh xã hội, lý lịch nhân vật, cũng như về phong thái và cách thoại trong vở để đảm bảo tính nguyên tác. Tuy nhiên, với vai trò là đạo diễn, tôi vẫn truyền vào đó là một lối dựng và lối diễn đầy tính văn minh.
– Lan & Điệp là câu chuyện không mới, nhưng đưa lên sân khấu kịch để diễn cho khán giả cùng khóc, cười được với mình, hẳn là các bạn cũng rất đau đầu. Chi tiết hay cảnh diễn nào trong vở các bạn cảm thấy tâm đắc nhất? Vì sao?
– Thực sự rất đau đầu, vì chúng tôi cần phải làm mới, để thu hút khán giả, vì đây là vở chính kịch, nên tôi phải đem vào vở những mảng miếng, tình tiết hài để làm nhẹ bớt phần bi.
Tôi phải kiếm những điểm mới cho nhân vật của mình, như nhân vật Thúy Liễu, tôi cho nhân vật của mình cũng biết ghen, khi nhìn thấy Điệp chỉ biết chăm sóc những cành lan, nhìn hoa nhớ người, cô đã đập phá những chậu Lan mà Điệp chăm sóc. Và Khi Lan chết, Điệp đã để Lan trên chiếc mo cau, kéo cô về quê, như hồi còn bé, khi anh hay kéo cô đi vòng quanh xóm.
– Bỏ vốn đầu tư một vở diễn chính kịch nghiêm túc trong bối cảnh hiện tại, các bạn xem ra đã rất liều. Cái liều này, mục đích của các bạn là gì? Sao không chọn một vở diễn nhẹ nhàng, hài hước và ít áp lực hơn?
– Khi quyết định chọn làm vở “Hoa nở hoa tàn”, chúng tôi biết mình rất liều nhưng chúng tôi vẫn làm bởi vì 2 lý do. Thứ 1, chúng tôi làm cho đã nư của mình, đó là được thỏa sức diễn những vai mà mình yêu mến. Thứ 2, chúng tôi muốn đem một tác phẩm kinh điển đến gần với khán giả trẻ, những người vẫn chưa biết về câu chuyện tình Lan và Điệp, chưa biết hết về tác phẩm “Tắt lửa lòng”.
-Vậy cái khó khi quyết định đưa Lan & Điệp lên sàn kịch đối với các bạn là gì?
– Là làm sao phải có cái gì đó cho khán giả xem, khi khán giả quá quen thuộc với chuyện tình Lan & Điệp qua những bản cải lương. Ngoài ra, chúng tôi là nhóm diễn viên trẻ, khi dựng một tác phẩm kinh điển, chúng tôi ý thức rằng chúng tôi rất khó để hơn hoặc bằng các cô chú, anh chị đi trước được nếu lặp lại, nên chúng tôi quyết định phải làm khác, hi vọng là mọi người sẽ thích thú và chấp nhận.
Trương Phong