Khám phá

Từ vụ con ruồi 500 triệu, giới hạn “quyền lực của thượng đế” đến đâu?

Người tiêu dùng, người dân cần biết ranh giới giới của quan hệ pháp luật dân sự với quan hệ pháp luật hình sự trong những tình huống tương tự vụ “con ruồi trong chai nước” của Tân Hiệp Phát để tránh đi “quá đà”, sa vào vòng lao lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm.

tan-hiep-phat_bfte
Ảnh minh họa.

 

Ông Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền  Giang), người bị cáo buộc đã đòi công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng về chai nước ngọt nghi có ruồi đã phải nhận mức án 7 năm tù vì hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, vụ “con ruồi 500 triệu đồng” là câu chuyện gây nhiều tranh cãi bởi các quan điểm dựa trên nhiều phương diện xã hội từ góc độ pháp lý, góp độ xã hội, nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh; xuất phát từ địa vị xã hội, tình cảm, tâm lý hiểu biết pháp luật khác nhau…

Luật sư Cường thừa nhận, bản thân ông cũng không muốn xử lý ông Minh về tội cưỡg đoạt tài sản bởi ông Minh là người lao động, bản chất lương thiện tuy nhiên, pháp luật sẽ không có trường hợp miễn trừ, nếu thiếu hiểu biết pháp luật mà phạm pháp thì vẫn bị xử lý tuy nhiên có xem xét đến tình tiết này khi lượng hình.

Sự việc xảy ra với ông Võ Văn Minh, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp “gày bẫy” người tiêu dùng đồng thời chỉ ra một vài trường hợp trước đó Tân Hiệp Phát đã từng sử dụng “kịch bản” tương tự.

Cụ thể, tháng 6/2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã từng bắt giữ quả tang Nguyễn Quốc T. đang nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát (Bình Dương) liên quan đến vụ việc chai trà xanh có gián bên trong.

Trước đó, vào cuối năm 2011, có khách hàng cũng từng yêu cầu Tân Hiệp Phát bồi thường 49 triệu đồng cho 5 chai nước ngọt bị cho rằng không đảm bảo chất lượng nhưng sau khi nhận tiền, Công an tỉnh Đồng Nai và Công an Biên Hoà đã ập vào bắt giữ….

Vậy, trong trường hợp tương tự, người tiêu dùng cần xử lý thế nào để tránh lặp lại vết xe đổ của ông Minh và những người được cho là nạn nhân khi Tân Hiệp Phát “gày bẫy”?

Theo luật sư Cường, nếu phát hiện sản phẩm có lỗi, hàng hóa có lỗi thì cách ứng xử văn hóa nhất là báo cho nhà sản xuất để khắc phục, sửa chữa những sai sót đó, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nếu sản phẩm lỗi đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền thương lượng với nhà sản xuất để yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu không thương lượng được thì có thể khởi kiện tới tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ông cũng nhấn mạnh, khi thương lượng, thoả thuận bồi thường tuyệt đối không được có những hành vi, thủ đoạn có tính chất đe dọa, uy hiếp đối phương nhằm chiếm đoạt tài sản của đối phương. Không được đe dọa thực hiện các hoạt động mà pháp luật cấm như phát tờ rơi để bêu xấu nhà sản xuất…

luat-su_tuij

Luật sư Đặng Văn Cường (bên trái), Luật sư Trần Minh Hùng (bên phải)
 

Cũng theo gợi ý của luật sư Cường, nếu nhà sản xuất không thừa nhận sản phẩm lỗi là do mình, không khắc phục sửa chữa thì khách hàng có thể yêu cầu hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý thị trường… can thiệp. Cũng có thể đưa thông tin này tới báo chí để phản ánh những vấn đề về chất lượng hàng hóa.

“Người tiêu dùng, người dân cần biết ranh giới giới của quan hệ pháp luật dân sự với quan hệ pháp luật hình sự trong những tình huống tương tự để tránh đi “quá đà” mà sa vào vòng lao lý. Nói cách khác là cần phải biết giới hạn “quyền lực” của mình ở đâu để dừng lại đúng lúc”, ông Cường nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, khi phát hiện hàng hoá có khuyết tật, không bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể gửi khiếu nại tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan quản lý thị trường địa phương, thanh tra sở công thương… để các cơ quan này xem xét xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm theo quy định pháp luật.

Luật sư Hùng lưu ý, ranh giới giữa biện pháp bảo vệ hợp pháp và tội phạm hình sự là rất mong manh.

“Người tiêu dùng có quyền đòi doanh nghiệp phải bồi thường cho mình nhưng trong thực tế không ít trường hợp người tiêu dùng đã bức xúc mà có hành vi thái quá, đe dọa, gây áp lực, do lòng tham… nhằm mục đích buộc bên kia phải đáp ứng yêu cầu của mình, do vậy người tiêu dùng có hành vi này có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự”, luật sư Hùng nói.

 

Theo BizLIVE

 

Chia sẻ bài viết này