Trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM: Sinh viên ITEC với mô hình công ty giả định
Mô hình công ty giả định theo đồ án thực tế là một trong những hoạt động thường thấy trong giờ học các môn chuyên ngành của các sinh viên đang theo học chương trình Cử nhân Quốc tế chuyên ngành kinh doanh quốc tế tại Trung tâm đào tạo Quốc tế (ITEC) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM liên kết với đại học Keuka, New York, Hoa Kỳ.
HỌC TỪ THỰC NGHIỆM
(EXPERIENTIAL LEARNING)
Phương pháp học từ thực nghiệm là một khái niệm dường như còn khá xa lạ đối với sinh viên Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các quan điểm giáo dục hiện tại vẫn còn theo lối mòn “Nghe hiểu bài, thi điểm cao mới là giỏi”. Các giáo sư đến từ đại học Keuka, New York, Hoa Kỳ đã áp dụng phương pháp đào tạo thực nghiệm cho các sinh viên ITEC đang theo học chương trình liên kết quốc tế ngành Khoa học Quản lý, chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Nếu có dịp quan sát giờ học của các sinh viên này, chúng ta sẽ thấy hình ảnh lớp học sẽ được tổ chức như một công ty thực sự. Lớp học được chia nhóm thành các phòng ban khác nhau, các tiết học sẽ là những buổi họp định kỳ để các bạn có thể trình bày kế hoạch, thảo luận về các dịch vụ/sản phẩm thật. Từ việc xây dựng mô hình công ty giả định trong giờ học, các sinh viên ITEC được áp dụng các kiến thức đã học về kinh doanh, truyền thông, marketing, quản lý nhân sự, tài chính … Sau 1 thời gian triển khai các dự án, sinh viên được yêu cầu báo cáo kết quả kinh doanh cũng như tự đánh giá về quá trình thực hiện, từ đó đúc kết thành các kinh nghiệm kinh doanh riêng cho mình.
Bạn Phương Uyên, sinh viên năm cuối tại ITEC, chia sẻ: “Mô hình học tập thật sự giúp chúng em cảm thấy giờ học hứng thú hơn và cũng giúp chúng em có cơ hội vận dụng kiến thức hiệu quả hơn là cách truyền đạt khô khan thông thường. Chúng em cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình vì được chủ động làm tất cả mọi việc từ lên ý tưởng, triển khai và báo cáo kết quả của các dự án.” Uyên tâm đắc: “Một trong những kĩ năng mà chúng em cảm thấy mình được phát huy rất nhiều qua các dự án đó chính là tư duy phân tích và giải quyết vấn đề. Những khi cùng ngồi lại xem xét, trao đổi, lắng nghe ý kiến của nhau và từ đó đưa ra hướng giải quyết trong quá trình làm việc chung khiến chúng em hoàn thiện kỹ năng làm việc.
Giáo sư Lynn Lannon, giảng viên ĐH Keuka (Hoa Kỳ), cho biết: “Được chứng kiến các em tự hoàn thành các khâu từ lên ý tưởng, triển khai và báo cáo, điều khiến tôi tâm đắc nhất chính là sự chuyên nghiệp và khả năng giải quyết vấn đề của các em đã có cơ hội được trau dồi qua nhiều dự án khác nhau. Qua đó mô hình học tập này đã góp phần giúp sinh viên không chỉ phát triển bản thân mà còn vận dụng tri thức vào thực tiễn.
KỸ NĂNG TỪ CÁC ĐỒ ÁN THỰC TẾ
Giáo sư Paul McAfee, giảng viên ĐH Keuka (Hoa Kỳ), cho biết: “Tư duy phân tích và giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng mà các bạn sinh viên xây dựng được qua các mô hình học tập này. Từ một sinh viên khá nhút nhát để trình bày ý kiến lẫn khả năng phân tích vấn đề còn thiếu chiều sâu vào những ngày đầu bước vào trường, khi đã quen dần với các mô hình học tập này, các bạn dần trở nên tự tin hơn trong các buổi thuyết trình về kế hoạch triển khai đồ án, cũng như các buổi báo cáo kết quả thành tích mà các bạn đạt được sau một thời gian thực hiện.” Giáo sư Paul McAfee chia sẻ thêm: “Sự khác biệt trong cách suy nghĩ và làm việc của các bạn luôn là điều ấn tượng tôi về những kết quả tích cực mà phương pháp Học từ thực nghiệm này đem lại”.
Bên cạnh đó, nhà trường và giảng viên luôn cố gắng hướng các em triển khai các đồ án mang tính xã hội và cộng đồng cao. Quả thật, tất cả lợi nhuận thu được sau mỗi đồ án trong lớp được các bạn sinh viên chuyển tới các đơn vị từ thiện như Hội chữ thập đỏ, chùa Kim Liên (Quận 4)… hoạt động xã hội như tuyên truyền bảo vệ môi trường, hiến máu nhân đạo… Đây chính là cơ hội tốt để các bạn sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ vững đạo đức trong kinh doanh và tầm quan trọng của các doanh nghiệp xã hội trong bối cảnh hiện tại.
P.V