Thảm họa chìm phà Sewol và những sang chấn
Đã 2 năm kể từ thảm họa chìm phà Sewol (16/4/2014) nhưng những sang chấn tâm lý của người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh của những học sinh “mãi mãi không về” còn nặng nề hơn. Năm học mới sắp bắt đầu, và một lần nữa những vết thương lại một lần nữa tỉnh dậy.
Theo đó, thảm họa chìm phà Sewol xảy ra vào ngày 16/4/2014 tại vùng biển gần đảo Byeongpung, huyện Jindo, tỉnh Nam Jeolla.
Trên tàu có tất cả 476 người, gồm 325 học sinh Trường Phổ thông Trung học Danwon ở thành phố Ansan (tỉnh Gyeonggi) đang trong chuyến du lịch thực tế, các hành khách khác và thủy thủ đoàn. Ngay khi tai nạn xảy ra đã có 172 người được cứu sống. Sau hơn 7 tháng, ngày 11/11/2014, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố kết thúc công tác tìm kiếm nạn nhân. Tổng cộng 295 nạn nhân thiệt mạng đã tìm được xác, còn 9 người vẫn chưa được tìm thấy.
Trường Phổ thông Trung học Danwon trong năm học mới
Giờ đây, đã gần hai năm kể từ khi xảy ra tai nạn tang thương này, nhưng những di chấn của vụ chìm phà Sewol vẫn in dấu nặng nề lên xã hội và nền kinh tế Hàn Quốc. Điển hình như mới đây, để chuẩn bị cho năm học mới các vị phụ huynh có con em mới nhập học vào trường Danwon đã yêu cầu nhà trường trả lại 10 lớp học (là các phòng học có học sinh tử nạn xưa kia) vốn được dùng làm phòng tưởng niệm, bày hoa và đồ lưu niệm, nơi người dân Hàn Quốc có thể đến viếng các học sinh tử nạn. Tuy nhiên, các phụ huynh có con em tử nạn lại không đồng ý việc này, họ kiên quyết đòi giữ nguyên hiện trạng của các phòng học cũ và cuộc tranh cãi này vẫn chưa đến hồi ngã ngũ.
Những lớp học vẫn để tưởng niệm, gây ra tranh cãi trong suốt năm vừa qua
Phản ứng của đại đa số cộng đồng mạng, người dân Hàn Quốc hiện nay là mong các gia quyến Sewol “hãy biết điểm dừng”, dù quá khứ mất mát đau thương nhưng cũng nên nghĩ tới tương lai và trả lại môi trường học tập đúng nghĩa cho các học sinh mới.
Nguồn Thông tin Hàn Quốc