“Ông lớn” thị trường đồ ăn nhanh chưa chắc thành công ở Việt Nam
Nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh của thế giới khác đang “chực chờ” để nhảy vào Việt Nam thông qua nhượng quyền thương hiệu.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Chủ Nhật vừa qua, ngày 31/1/2016, McDonald’s Việt Nam đã chính thức khai trương nhà hàng thứ tám tại Việt Nam, mang tên McDonald’s Bưu Điện. Bà Lê Hà Mỹ Trâm, đại diện truyền thông DN này cho biết, nhà hàng mới ra mắt chỉ sau hơn một tháng thi công, nhằm kịp thời phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tọa lạc gần Bưu Điện TP. Hồ Chí Minh, McDonald’s Bưu Điện có tổng diện tích 650 m2, với hơn 250 chỗ ngồi nằm ở “vị trí vàng” của trung tâm thành phố, gần các khu thương mại sầm uất bậc nhất, những kiến trúc hiện đại và hoành tráng khu trung tâm như: nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất…
Như vậy, chỉ sau hai năm có mặt tại Việt Nam, thương hiệu đồ ăn nhanh (fast food) nổi tiếng thế giới này đã có 8 nhà hàng tại Việt Nam. Theo đó, McDonald’s cũng phát đi một “thông điệp cảnh báo” cho rất nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh trong và ngoài nước khác đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường, đồng thời gia tăng áp lực lên các đối thủ.
Sự “bành trướng” nhanh chóng của McDonald’s tại Việt Nam cho thấy tầm nhìn tích cực về thị trường nội địa của “ông lớn” này. Thực tế, đối với thị trường đồ ăn nhanh, yếu tố quan trọng bậc nhất để quyết định đầu tư chính là dân số học và dư địa phát triển ngành. Hai yếu tố này đều rất khả quan tại thị trường Việt Nam.
Theo phân tích của một số chuyên gia về marketing, Việt Nam là nước dân số đông và cơ cấu dân số trẻ tuổi chiếm vai trò chủ đạo. Người trẻ dễ có khả năng thay đổi khẩu vị và thích thú khi tiếp cận với những trào lưu ẩm thực quốc tế. Đó là thế mạnh của lĩnh vực đồ ăn nhanh.
Còn nhìn trên bình diện rộng hơn là thị trường toàn cầu. Với những thương hiệu đồ ăn nhanh đa quốc gia, như McDonald’s là ví dụ, thị trường tại những quốc gia đã quen với văn hóa ăn nhanh và nếp sống công nghiệp, mật độ các cửa hàng ăn nhanh tại các siêu thị, các con phố dày đặc gấp nhiều lần tại Việt Nam thì tốc độ phát triển bị hạn chế. Ngược lại, thị trường đồ ăn nhanh Việt do mới phát triển nên dư là lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, cũng vì là thị trường “mới nổi” các thương hiệu thức ăn nhanh thế giới vào một thị trường mới như Việt Nam sẽ phải có cách tiếp cận phù hợp mới mong gặt hái được thành công. Còn nếu “lỡ chệch đường ray”, cả những ông lớn cũng phải thua cuộc.
Cũng chỉ ít ngày trước đó, nhà hàng Burger King tại ngã tư đường Điện Biên Phủ – Cao Thắng (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành tháo dỡ để trả lại mặt bằng, khiến giới kinh doanh thức ăn nhanh xôn xao. Còn tính riêng trong năm 2015, đã có hai cửa hàng Burger King ở số 26 – 28 đường Phạm Hồng Thái (TP. Hồ Chí Minh) và 125 phố Lò Đúc (Hà Nội) phải ngừng hoạt động. Trước đó, khoảng giữa năm 2014, cửa hàng Burger King tại Đà Nẵng cũng đã đóng cửa…
Cơ hội chỉ đến với người kiên trì
Nhìn nhận về hai động thái trái chiều trên, giữa chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động của DN này, cùng lúc với động thái thu hẹp của các thương hiệu đồ ăn nhanh khác, chuyên gia marketing Hoàng Tùng, CEO Pizza Home cho rằng, cuộc chiến thị phần trong lĩnh vực đồ ăn nhanh đã bắt đầu “nóng” hơn, sau một thời gian đã cơ bản định hình được thị trường.
Theo ông Tùng, ngành kinh doanh thức ăn nhanh ở Việt Nam có hai cột mốc đáng chú ý. Đầu tiên là cột mốc KFC xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm trước đây. Khi đó, người Việt hầu như chưa có khái niệm gì về fast food. Nhưng đến nay đã thấy những cửa hàng đồ ăn nhanh đã có mặt ở khắp nơi.
Cột mốc đáng chú ý tiếp theo chính là sự kiện McDonald’s vào Việt Nam vào cuối năm 2014. Sự xuất hiện của “ông lớn” này được cho là sẽ thay đổi nhận thức mọi người về đồ ăn nhanh và có khả năng đưa fast food nhanh chóng trở thành một phần trong thói quen ẩm thực của người Việt.
“Ngoài việc giành giật thị phần đang sẵn có, các thương hiệu lớn chắc chắn mong chờ thói quen ẩm thực của người Việt sẽ dần thay đổi và làm quen nhiều hơn với fast food”, ông Hoàng Tùng nhận xét.
Từ phân tích trên của ông Hoàng Tùng cho thấy, những thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng trên thế giới khi vào thị trường mới như Việt Nam cũng cần phải “nếm mật nằm gai”, để người dân quen dần với phong cách ẩm thực phương Tây.
Thừa nhận McDonald’s Việt Nam cũng như của những sản phẩm tương đồng (gà chiên, hamburger, đồ ăn nhanh khác tương tự McDonald’s…) tại thị trường Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam cho rằng: “Để xây dựng một thương hiệu tại thị trường mới cũng cần nhiều thời gian”.
Với McDonald’s, thông thường ở các nước sẽ tiến hành mở thử nghiệm một nhà hàng rồi đợi vài ba năm sau mới mở nhà hàng thứ hai. Mục đích là để cho nhà hàng đầu tiên đi vào hoạt động ổn định, qua đó DN học hỏi, họ tìm hiểu xem thói quen tiêu dùng của người dân, mức độ đón nhận của khách hàng trước khi họ mở nhà hàng thứ hai…
“Việt Nam là thị trường khá đặc biệt, McDonald’s đã liên tục khai trương bốn nhà hàng ngay trong năm đầu tiên, và đến nay đã có 8 nhà hàng”, ông Nguyễn Huy Thịnh cho biết thêm. Vậy nên, McDonald’s đang phải tiến hành các chương trình nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, tuyên truyền để họ hiểu hơn về các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ của McDonald’s.
Cũng như McDonald’s, nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh của thế giới khác đang “chực chờ” để nhảy vào Việt Nam thông qua nhượng quyền thương hiệu. Các chuyên gia dự báo, việc phát triển và nhân rộng mô hình đồ ăn nhanh tại Việt Nam sẽ còn tăng mạnh. Và để tránh “cú ngã ngựa” như Burger King, đòi hỏi các thương hiệu phải nghiên cứu kỹ hơn để hiểu được “gu” tiêu dùng của người trẻ, đó là dễ thay đổi khẩu vị, thích đón nhận điều mới lạ. Tuy nhiên, họ cũng cần hiểu rằng, đi kèm với những cơ hội luôn là thách thức…
Nguồn Thời báo Ngân hàng