Làm sao để con hiểu phải ‘cho’ đi thì mới ‘nhận’ lại?
Có lần, đồng nghiệp của ba đến chơi có đem theo em bé, mẹ lấy túi kẹo con đang ăn dở cho em vài cái, thế mà con lao vào giành lại cho bằng được.
Mẹ thật sự hoảng hốt khi nhận được điện thoại của cô giáo báo tin con vừa “gây sự” với một bạn khác lớp trong ngày hội của trường. Cô cũng không biết vì lý do gì mà con một mực đòi bạn trả lại bộ váy đang mặc. Nghe cô nói, mẹ lờ mờ đoán ra nguyên nhân nhưng không tiện nói ra.
Năm nay, con gái mẹ tròn bảy tuổi, thích điệu đà và ít nói. Vì lý do sức khỏe nên ba mẹ chỉ có mình con, bao nhiêu yêu thương dồn hết vào con. Chẳng biết có phải vì thế không mà từ nhỏ, con đã tỏ ra rất kỹ tính và có phần ích kỷ.
Con không bao giờ muốn cho ai bất cứ thứ gì đã thuộc về mình. Tất cả giày dép, quần áo, đồ dùng, đồ chơi từ lúc nhỏ cho đến tận bây giờ đều còn nguyên. Đôi lần mẹ gợi ý, những thứ gì không dùng nữa thì nên cho đi, nhưng con nhất quyết không chịu.
Dù mẹ giải thích và dẫn từng trường hợp cụ thể mà con có thể san sẻ đồ cũ nhưng vẫn không có tác dụng. Không những vậy, thức ăn, đồ uống của con, người nào bất kể thân sơ lỡ đụng vào là con bắt đầu giãy nảy lên để phản đối. Còn nhớ, Trung thu năm ngoái, con để dành một cái bánh trong tủ lạnh. Ba đi làm về muộn, thấy đói bụng nên lấy ăn, con phát hiện ra bắt ba phải “đền”.
Ba đành chở con đi lòng vòng khắp phố tìm mua nhưng các cửa hàng bán bánh trung thu đều đã nghỉ. Có lần, đồng nghiệp của ba đến chơi có đem theo em bé, mẹ lấy túi kẹo con đang ăn dở cho em vài cái, thế mà con lao vào giành lại cho bằng được.
Mẹ bắt đầu cảm thấy lo lắng về tính ích kỷ của con nên bàn với ba, thỉnh thoảng đưa con lên chùa thăm mấy em bé mồ côi để con thấy hoàn cảnh khó khăn mà biết chia sẻ. Mẹ cũng chọn những chương trình truyền hình có ý nghĩa nhân ái, kể những câu chuyện lan tỏa yêu thương để khơi dậy sự thương cảm trong con.
Đi đường, gặp người ăn xin, mẹ đều đưa cho con vài nghìn tiền lẻ đến cho họ, những lúc ấy con ngoan ngoãn làm theo. Nhưng nếu bảo con lấy tiền lì xì để quyên góp cho đồng bào bão lụt thì con nhất quyết không chịu. Mẹ nghiệm thấy rằng con chỉ cho đi nếu thứ đó không phải là của mình, còn tự thân san sẻ thì không bao giờ.
Chuyện con đòi lại quần áo vì nghĩ là của mình đã từng xảy ra. Trong chuyến đi công tác Hà Nội, ba mua cho con và chị Bông con bác Hải hai bộ váy y hệt nhau vì hai đứa bằng tuổi, nhưng con không biết. Thế nên, khi thấy chị Bông mặc bộ váy đó sang nhà nội, con cứ la lối “trả váy em đây”.
Hôm đó, để con nhận ra sự nhầm lẫn, mẹ đã chở con về, lấy váy trong tủ ra để con thấy mình đã nhầm. Mẹ nhắc nhở con: “Bộ váy này đâu phải là duy nhất, còn rất nhiều bộ khác nữa, con bỏ ngay tính ích kỷ đó đi”. Sau lần đó, con có vẻ cẩn thận hơn, mỗi lần mua giày dép, áo quần mới, con đều nhờ mẹ thêu tên hoặc đánh dấu vào.
Thời gian gần đây, mẹ thấy con có vẻ không quan tâm đến chuyện “giữ đồ” nên mẹ âm thầm dọn một số váy áo đã cũ. Nhân đợt quyên góp cho những học sinh khó khăn ở trường con, mẹ nhờ cô giáo chủ nhiệm chuyển cho các bạn. Mẹ cũng tính, phần lớn khi đến trường, học sinh đều mặc đồng phục nên chắc con sẽ chẳng thể nào phát hiện ra.
Nào ngờ, ngày hội nên học sinh được mặc áo quần tự do và có lẽ, bạn gái ấy đã diện bộ váy áo đẹp nhất mà mình có. Khi nghe cô giáo nói, mẹ thật sự buồn. Mẹ vừa nghĩ sau này lớn lên, với tính cách như thế, liệu con có thể có một cuộc sống hạnh phúc, vừa thương bạn con phải mang một vết thương lòng không biết khi nào mới nguôi ngoai.
Khi người ta khổ sẽ rất dễ mặc cảm và tổn thương, nhất là khi bị xúc phạm ở chốn đông người. Nếu bạn ấy vui khi khoác bộ váy đó bao nhiêu thì giờ sẽ buồn tủi bấy nhiêu.
Mẹ phải làm sao để con gái mẹ hiểu trong cuộc sống, cần phải biết “cho” đi thì mới “nhận” lại. Và hạnh phúc lớn nhất là khi cho đi mà không tính toán thiệt hơn. Đó là một câu hỏi lớn mà mẹ chưa thể tìm được câu trả lời khi con ngày một lớn.
Hà Lam