Hơn 56% giáo viên mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 11 năm 2017 vừa qua – Theo thống kê từ chương trình tầm soát miễn phí cho giáo viên “Hãy biết yêu đôi chân bạn, ngừa suy tĩnh mạch để VỮNG BƯỚC MỖI NGÀY”, có hơn 56% giáo viên hiện đang có những triệu chứng sớm của bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tính chi dưới như đau dọc cẳng chân hay đau, sưng và cảm thấy nặng nề ở chân. Bên cạnh đó, có 38% giáo viên thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch, cần được chẩn đoán chuyên sâu và định hướng điều trị.
Chương trình được triển khai từ ngày ngày 20/10/2017 tại nhiều trường học thuộc 5 tỉnh thành khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp), Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội.
Theo nghiên cứu Present, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân rất phổ biến, cứ 4 người thì có 1 người mắc bệnh. Không chỉ riêng nghề giáo, bất cứ ai có đặc thù công việc phải đứng hay ngồi nhiều có có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch. Tuy vậy, ở Việt Nam, bệnh chưa nhận được sự chú ý và quan tâm đúng mực từ cộng đồng và cả những người mắc bệnh.
Do đó, chương trình “Hãy biết yêu đôi chân bạn, ngừa suy tĩnh mạch để VỮNG BƯỚC MỖI NGÀY” được tổ chức để tăng cường nhận thức cộng đồng và cung cấp thông tin hữu ích về căn bệnh suy giãn tĩnh mạch mạn tĩnh, cũng như trao cho các thầy cô giáo cơ hội tầm soát bệnh miễn phí. Từ đó, chương trình kêu gọi tất cả những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nâng cao nhận thức và chủ động phòng ngừa bệnh.
Khác với năm trước, chương trình “Hãy biết yêu đôi chân bạn, ngừa suy tĩnh mạch để VỮNG BƯỚC MỖI NGÀY” 2017 tập trung hướng đến đối tượng là giáo viên và đồng thời cũng mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh thành ngoài thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội.
Nhận được sự quan tâm và chào đón nồng nhiệt của các thầy cô ở các trường học trên khắp các tỉnh thành, trong tháng 12/2017, chương trình sẽ tiếp tục đến với các trường học tại Hà Nội và nâng con số giáo viên được tư vấn và kiểm tra tầm soát bệnh suy giãn tĩnh mạch lên đến 2100 người.
Ngọc Mai