Học hành

“Giỏi lắng nghe” – phẩm chất tạo nên người sếp lý tưởng

Bên cạnh những yếu tố về năng lực chuyên môn, quản lý và điều hành, “giỏi giao tiếp và lắng nghe” chính là một trong những phẩm chất của người lãnh đạo khiến nhân viên ấn tượng, hài lòng và gây được thiện cảm lớn nhất. Thật đáng ngạc nhiên khi việc “lắng nghe” ở vị trí nhà quản lý lại có thể đem lại nhiều lợi ích quan trọng mà không phải ai cũng nhận ra được. Dưới đây là một vài lý do tại sao kỹ năng tưởng dễ mà khó này chính là bí quyết để trở thành “người sếp lý tưởng” trong mắt hầu hết các nhân viên. 

Lắng nghe đem lại cái nhìn sâu sắc và đa chiều

Việc thường xuyên lắng nghe, chia sẻ với nhân viên đem lại cái nhìn toàn diện và đa chiều cho người quản lý – những thông tin mà bạn không thể tìm thấy ở những bản báo cáo hay qua những cuộc họp thông thường. Bạn sẽ có cơ hội nhìn nhận lại các vấn đề từ sự phối hợp giữa các thành viên nhóm, trạng thái tinh thần, động lực của nhân viên, những ý kiến đóng góp để cải thiện hiệu quả làm việc, tối ưu hóa quy trình… thông qua những cuộc đối thoại mang tính chia sẻ, cởi mở với nhân viên và lắng nghe những suy nghĩ của họ. Đây đều là những thông tin vô cùng quý giá cho các nhà quản lý, giúp họ có được sự hiểu biết sâu sắc, đa chiều về tổ chức công ty, từ đó có thể đem lại những ý tưởng cải tiến hoặc giải pháp hiệu quả.

Xây dựng được lòng tin

Con người luôn có nhu cầu được chia sẻ và bày tỏ suy nghĩ của mình, và nhân viên công sở cũng vậy. Lắng nghe là một hành động rất thiết thực để bày tỏ sự quan tâm và thiện chí từ phía người quản lý, xóa bớt khoảng cách giữa sếp và nhân viên, khiến họ cảm thấy được tôn trọng và tạo động lực. Không chỉ có vậy, tương tác khi được chia sẻ suy nghĩ và được lắng nghe sẽ giúp người quản lý xây dựng được lòng tin ở nhân viên – một yếu tố rất quan trọng cũng là bí quyết thành công của người lãnh đạo. Trái lại, nếu không biết lắng nghe, bạn sẽ ngày càng xa rời các nhân viên của mình, mất đi sự kết nối và cơ hội được tiếp cận với những suy nghĩ thật sự của họ. Đây là một điều rất đáng tiếc.

Đem lại tư duy cởi mở

Những người biết lắng nghe thường có một tư duy không bó hẹp do họ luôn có thái độ cởi mở khi đón nhận những ý kiến, những tư tưởng khác biệt và đôi khi trái ngược với định kiến sẵn có của họ. Khi bạn dành thời gian quan sát, lắng nghe những gì xảy ra xung quanh môi trường làm việc của mình và chia sẻ với những người xung quanh, nhiều lúc bạn sẽ gặt hái về những ý tưởng sáng tạo bất ngờ. Lắng nghe giúp bạn có một tư duy cởi mở hơn, loại bỏ bớt định kiến và những suy nghĩ áp đặt, và rõ ràng những điều này mang lại giá trị tuyệt vời cho người quản lý. Đừng ngại ngần bắt chuyện với cả những nhân viên bộ phận khác, ngay cả người quét dọn hay chú bảo vệ, có thể bạn sẽ ngạc nhiên về những góc nhìn, câu chuyện thú vị mà mình được nghe đấy. 

Tạo bầu không khí thẳng thắn, thân thiện, tích cực cho nhân viên

Chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa một nhóm nhân viên có sếp là người cởi mở, biết chia sẻ và lắng nghe, với một nhóm nhân viên có một người sếp áp đặt, bảo thủ và khó gần. Sự khác biệt nằm ở bầu không khí: Một bên thân thiện, tích cực và vui vẻ, một bên thì trái lại, luôn có vẻ căng thẳng, dồn nén và áp lực. Thực tế, tính cách cá nhân và ứng xử của sếp ảnh hưởng không nhỏ tới bầu không khí làm việc của nhân viên. Bằng cách cư xử hòa đồng, gần gũi và biết lắng nghe, người quản lý có thể đem lại một môi trường làm việc tốt hơn cho nhân viên về mặt tinh thần, tạo động lực và giảm căng thẳng cho họ. Hãy tự hỏi mình, trên cương vị là một nhà quản lý, bạn muốn là “người sếp” của nhóm nhân viên nào trên đây nhé, bởi điều đó một phần phụ thuộc vào ứng xử của chính bạn.

Là một nhà quản lý, chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ về giai đoạn khi mình còn là một nhân viên non nớt và thường chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người lãnh đạo, người sếp trực tiếp của mình. Rõ ràng việc được lắng nghe bởi cấp trên có một ý nghĩa lớn lao với tất cả chúng ta khi còn là một nhân viên. Vậy thì, hãy trở thành một người sếp lý tưởng đó, để không chỉ quản lý và điều hành, bạn còn có thể dẫn dắt, truyền cảm hứng và đem lại động lực cho nhân viên dưới quyền, chỉ từ một hành động tưởng như nhỏ bé là “lắng nghe”.

Ngân Linh

 

 

 

Chia sẻ bài viết này