Sống Khỏe

Dấu hiệu báo bệnh nguy hiểm khi vết bầm tím xuất hiện trên da

 Khi phát hiện vết bầm tím trên da, bạn thường nghĩ chắc hẳn mình đã va vấp vào đâu đó. Nhưng thực tế, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này và những vết bầm tím có thể là dấu hiệu đáng lo ngại.

Bầm tím (xuất huyết dưới da) là hiện tượng phổ biến, thông thường do sự va đập hoặc diễn ra tự nhiên do thiếu vitamin, axit folic,… Nhưng vết bầm tím không đau, không ngứa này cũng có thể lại là biểu hiện bệnh lý về máu.

bestie-vet-bam-tim-tren-da

Bác sĩ chuyên khoa Da liễu, Bùi Cẩm Trúc, thành viên của Hiệp hội Thẩm mỹ Da Hoa Kỳ, hiện đang sống và làm việc tại Tp.HCM cho biết: “Đối tượng dễ bị bầm tím da nhất là phụ nữ, người già và trẻ em, những vết bầm thường tập trung ở vùng bắp đùi, bắp tay bởi lớp da mỏng hơn nên rất dễ bị tổn thương. Khi bị chấn thương, các mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ, máu thoát ra ngoài, tụ lại dưới da và hình thành nên máu bầm hay còn gọi là xuất huyết dưới da. Xuất huyết dưới da có thể từng chấm nhỏ li ti, có thể thành từng mảng; do va chạm, cũng có thể tự xuất hiện. Đầu tiên, có màu đỏ bầm vài ngày sau ngả sang tím, xanh rồi vàng, từ từ nhạt dần… khoảng 5-7 ngày thì lặn. Mảng xuất huyết không nổi gờ trên mặt da, không ngứa, không đau, căng da không mất đi”.

Những nguyên nhân gây ra các vết bầm tím trên cơ thể mà bạn chưa biết, theo Boldsky. 

Tập thể dục

bestie-vet-bam-tim-tren-da

Những người thực hiện các bài tập mạnh, nhanh, nâng trọng lượng, có thể vô tình làm tổn thương mình mà không hề hay biết. Tập thể dục cũng gây nhiều áp lực cho các cơ bắp dẫn đến “bùng nổ” mạch máu nhỏ gây ra vết bầm.

Tuổi tác

bestie-vet-bam-tim-tren-da

Khi già đi, bề mặt da dễ xuất hiện các vết bầm tím vì những thay đổi trong cơ thể. Theo Mayo Clinic, một vết bầm tím xuất hiện thường là do kết quả của một tác động nào đó làm cho các mao mạch (mạch máu nhỏ ở gần bề mặt của da) bị vỡ và máu rò rỉ ra ngoài. Khi còn trẻ, các vết đen hoặc bầm tím đó thường nhanh chóng biến mất, nhưng khi có tuổi, da trở nên mỏng hơn và lớp mỡ bảo vệ giúp dịu các mạch máu khỏi bị tổn thương cũng mất dần đi, nên các vết bầm rất lâu mới phai.

Thiếu vitamin C

Vitamin C rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương và hình thành collagen. Thiếu vitamin C làm cho mạch máu nhỏ bị vỡ, gây ra các vết bầm tím.

Rối loạn máu

bestie-vet-bam-tim-tren-da

Với người mắc bệnh chảy máu kéo dài, máu khó đông, chỉ cần một va chạm nhẹ cũng có thể gây ra các vết bầm tím. Hơn nữa, vết bầm không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu. Do đó, nếu thấy tình trạng này xảy ra thường xuyên, hãy đi khám bác sĩ để có được phương pháp điều trị kịp thời.

Bệnh tiểu đường

 

Nếu bạn thường xuyên thấy sự xuất hiện của các vết bầm trên một số bộ phận nhất định trên cơ thể mà không rõ nguyên nhân thì có khả năng bạn bị bệnh tiểu đường.

Đây được xem là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh. Tình trạng này xảy ra vì một mao mạch bị chảy máu do các mạch máu, da và dây thần kinh quá yếu.

Xuất huyết tiểu cầu miễn dịch

bestie-vet-bam-tim-tren-da

Theo các bác sĩ chuyên khoa, những dấu hiệu xuất huyết dưới da hay vết bầm tím có thể là do người bệnh mắc phải chứng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Đây là trạng thái bệnh do các kháng thể tiểu cầu tự phá hủy tiểu cầu của cơ thể. Nếu vết bầm tím xuất hiện cùng các triệu chứng như chảy máu chân răng, chảy máu mũi thì có khả năng bạn bị xuất huyết tiểu cầu miễn dịch.

Một khi tiểu cầu bị thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến quá trình đông máu, nặng hơn sẽ kéo theo chứng xuất huyết nội tạng, gây tai biến mạch máu não, suy thận… nếu phát hiện chậm trễ thì rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Trong một số trường hợp bầm tím có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Nếu thấy xuất hiện nhiều vết tụ máu dưới da mà không có lý do gì rõ ràng hoặc những vết bầm máu đã tan sau đó cứ bị đi bị lại thường xuyên, chúng ta cần đến ngay các bệnh viện để kiểm tra máu vì có thể có các bệnh lý về rối loạn đông máu cần phải được bác sĩ xác định và điều trị. Không nên coi thường tự mua thuốc uống hoặc bỏ qua.

An Thi

Chia sẻ bài viết này