Công nghệ thông tin Ngành mũi nhọn trong tương lai
“ 91% số sinh viên nghĩ rằng ngành Công nghệ thông tin (CNTT) là một lựa chọn nghề nghiệp tốt cho họ, 95% có nhu cầu muốn biết về CNTT nhiều hơn; 57% cho biết đã học CNTT từ các hướng dẫn trực tuyến; 97% sinh viên không hài lòng nếu cho rằng CNTT chỉ dành cho nam giới” – Trích dẫn trong khuôn khổ sự kiện Chúng ta cùng lập trình (#WeSpeakCode) 2015 của Microsoft.
Công nghệ thông tin là gì?
Công nghệ thông tin (Information Technology) là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại – chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông – nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.
Hiện tại ngành CNTT phân thành năm chuyên ngành chính: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính truyền thông, Kỹ thuật phần mềm. Công nghệ thông tin cung cấp cho các doanh nghiệp bốn nhóm dịch vụ lõi để giúp thực thi các chiến lược kinh doanh, đó là: Quá trình tự động kinh doanh, Cung cấp thông tin, Kết nối với khách hàng, và Các công cụ sản xuất. Người làm trong ngành này cần nhạy bén, có tư duy logic, độc lập sáng tạo, say mê công việc thiết kế, có khả năng tiếp cận công nghệ mới.
Nhu cầu ngành CNTT đến 2020
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành Công nghệ thông tin (CNTT) vào năm 2020, số nhân lực thiếu hụt lên tới trên 500 ngàn người. Theo báo cáo mới nhất về ngành CNTT Việt Nam 2017 của mạng tìm kiếm việc làm Vietnamworks, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15 ngàn việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Theo dự báo của đơn vị này, với gần 80 ngàn nhân lực CNTT sẽ được các trường cho “ra lò” trong hai năm, 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70 ngàn nhân lực về CNTT. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu cho ngành này lên đến 16.200 lao động mỗi năm.
Lý giải điều này, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Kể từ khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh với hơn 6 triệu việc làm được tạo thêm.
Nhóm ngành Công nghệ thông tin luôn phát triển rất nhanh. Nếu trước đây chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì nay đã có thêm nhiều ngành mới liên quan như: Bảo mật mạng, Lập trình ứng dụng di động, Lập trình game, Lập trình thiết kế game 3D, Lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D… Do vậy, nhu cầu nhân lực của ngành tăng liên tục, trong khi số lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được cả về lượng lẫn chất”.
Ông Trần Anh Tuấn cũng “bật mí” nhiều hướng đi cho sinh viên ngành CNTT sau khi ra trường. Sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài hoặc tự tạo việc làm. Hầu như bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần nhân lực ở lĩnh vực này.
Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực ngành CNTT trong khi thị trường lao động lại luôn mở rộng đối với ngành này được ông Trần Anh Tuấn giải thích: “Số lượng sinh viên ngành CNTT ra trường mỗi năm đều khá cao nhưng để có thể làm việc tại các doanh nghiệp, sinh viên cần phải trau dồi nhiều kỹ năng bên cạnh các kiến thức sẵn có.
Điểm yếu của sinh viên Việt là còn thụ động, chưa chủ động tìm tòi, đặc biệt là vốn ngoại ngữ còn rất kém, đây chính là nguyên nhân khiến các bạn chưa tìm được việc làm, còn các doanh nghiệp lại không thể tìm được lao động phù hợp”.
Theo ông Tuấn, có ba vấn đề thách thức về nguồn nhân lực trong thời gian tới: Kỹ năng, Ngoại ngữ và Tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm), chỉ cần rèn luyện tốt ba điều trên, không chỉ ngành CNTT mà ở bất cứ ngành nghề nào sinh viên cũng sẽ dễ dàng tìm được việc làm.
Những tố chất cơ bản của một sinh viên ngành CNTT
Đam mê công nghệ
Đây là tố chất quan trọng hàng đầu giúp bạn dễ dàng làm quen và hòa nhập vào thế giới công nghệ. Với niềm yêu thích sẵn có, bạn sẽ có động lực để vượt qua áp lực căng thẳng của công việc. Bạn sẽ không cảm thấy chán nản khi phải ngồi hàng giờ bên máy vi tính để viết một phần mềm, và càng không ngại ngần khi đầu tư hàng tháng trời để hoàn thành một công trình nghiên cứu công nghệ.
Tính chính xác trong công việc
Tính chính xác là yêu cầu bắt buộc của mọi khoa học, gồm cả công nghệ máy tính. Trong quá trình xây dựng một ứng dụng, một phần mềm, nếu xảy ra một sai sót nhỏ, toàn bộ chương trình sẽ không thể vận hành như mong muốn.
Ham học hỏi, trau dồi kiến thức
Thế giới số luôn thay đổi và không ngừng phát triển, những kiến thức hôm nay có thể trở nên lỗi thời vào ngày mai. Do vậy, bạn phải liên tục tìm hiểu thông tin, trau dồi kiến thức để bắt kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực này.
Trình độ ngoại ngữ
Đây là ngành nghề mang tính toàn cầu vì các sản phẩm công nghệ và internet có mặt trên khắp thế giới. Để trở thành một IT giỏi, bạn phải khá thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu các vấn đề, thông số chuyên môn để tiếp cận, cập nhật thông tin công nghệ. Nếu thành thạo tiếng Anh, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp xã hội và xử lý chuyên môn, bạn đang có trong tay một lợi thế lớn.
Học ngành Công nghệ thông tin ra làm gì?
Ngành Công nghệ thông tin mang đến cho các bạn rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn:
Lập trình viên: Là những người tạo nên các chương trình, phần mềm ứng dụng công nghệ trên các thiết bị công nghệ.
Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: Trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm công nghệ do lập trình viên tạo ra.
Xây dựng và quản lý dữ liệu: Thiết kế các chương trình ứng dụng, ví dụ giao diện sử dụng, giao dịch giữa khách/chủ trong toàn mạng và các bộ phận cấu thành hệ thống. Bạn cần cung cấp thông số kỹ thuật cho đội phát triển phần mềm, thiết kế, kiểm tra việc mã hóa.
Quản trị mạng: Thiết kế, vận hành và theo dõi các hệ thống mạng an toàn và bảo mật, nắm được các kỹ thuật xâm nhập và các biện pháp phòng, chống tấn công của các hacker (tin tặc) hiệu quả.
Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo.
Phương Thảo