Cháu bà nội
Một điều rất lạ là trong xã hội, nói chung, từ xa xưa, khi đề cập về hai tiếng “nội”, “ngoại”, có hai cảm xúc rất khác biệt. Ví dụ như, ra chợ, người bán hàng thấy một phụ nữ nhiều tuổi, vẻ người già, có câu mời: Ngoại mua gì con lấy? Ngoại thích món này không? Cái này ăn ngon lắm á ngoại… Có nghĩa, là người không quen biết, nhưng họ dùng từ “ngoại” hàm ý nghĩa yêu thương, quý mến, gần gũi. Chưa thấy ai giọng điệu yêu thương với người xa lạ, không quen biết mà dùng từ “nội” cả.
Ngược lại, cũng thường thấy, những câu nói nặng người ta dùng từ “nội”, ví dụ như: đánh thấy bà nội mày, mụ nội/ông nội mày ăn nói kiểu đó hả… Tất nhiên, chỉ là một lối nói khi cảm xúc đẩy lên cao mới bật thốt những lời đó; chắc chắn người nói không suy nghĩ hay để tâm xúc phạm đến ông bà. Tuy nhiên, còn thêm một hàm ý yêu thương nhưng theo cách nói ngược, mắng yêu, kiểu như, dí tay vào trán: “Bà nội mày, mới bé tí mà khôn dữ”… Những điều này hoàn toàn gặp trong dân gian xưa và đến bây giờ.
Tóm lại, “ngoại” dùng trong lối nói nhẹ nhàng, “nội” dùng trong bối cảnh nặng nề!
Có người cho rằng, có lẽ nguyên nhân từ ngày xưa, người phụ nữ về làm dâu hay bị mẹ chồng xét nét, nặng nề hơn còn cư xử khắc nghiệt, cơm chan nước mắt là chuyện bình thường khiến con dâu và mẹ chồng luôn có khoảng cách. Từ đó, người mẹ luôn lấy bên nội ra để trút cơn giận với con cái. Thế hệ kế tiếp, con dâu thành mẹ chồng, “lây” tính mẹ chồng xưa, hay có thể vì chịu đựng lâu dài nên khắc nghiệt lại trong cư xử với con dâu. Thế hệ tiếp nối thế hệ, dẫn đến cái nhìn của cộng đồng về mối quan hệ mẹ chồng, con dâu thường ít khi tốt đẹp.
Cũng có người cho rằng, sở dĩ tiếng “ngoại” được nói yêu thương còn bởi “cháu bà nội, tội bà ngoại”, “con so về nhà mạ”… Con gái sinh, không ai chăm tốt hơn mẹ ruột. Cháu của bà nội, mang họ bên ấy nhưng bà ngoại lãnh đủ từ tắm em bé, miếng ăn, giấc ngủ cho đến bồi dưỡng mẹ có sữa để nuôi con… Con gái sinh về nhà mẹ xưa nay sướng như tiên.
Nhà có hai chị em gái. Cô chị sinh em bé, cô em nhìn mẹ chăm sóc cháu mới thốt lên: “Đến bây giờ con mới biết mẹ làm mẹ giỏi ghê!”. Bà mẹ ngạc nhiên: “Thế mẹ nuôi con lớn lên, học hành, nên người mà nào giờ không thấy sao?”. Cô gái nói: “Là ý con thấy mẹ chăm em bé tuyệt quá nên con công nhận mẹ giỏi!”. Cô chị liền nói: “Bây giờ em mới thấy mẹ chăm em bé giỏi chớ hồi nhỏ chị đã thấy mẹ sinh em và chăm em tuyệt vời rồi!” (do hai cô cách nhau 10 tuổi).
Việc gì cũng có giá, bà ngoại khổ cực được đền bù bằng hạnh phúc nhỏ nhoi mà bà nội ít có được. Có người bảo, trên đời này vẫn có bà nội yêu quý, chăm sóc con dâu tốt lắm, còn hơn con đẻ. Tất nhiên là có nhưng hiếm, vì nhiều cô dâu sẵn sàng phát biểu, chắc chắn mẹ chồng không thể như mẹ ruột được, từ tình cảm hai bên với nhau cho đến cách cư xử.
Một chị kể, hai mươi năm làm dâu, một lần duy nhất ngủ chung với mẹ chồng là khi ấy đến thăm, mẹ chồng ngỏ ý ngủ cùng cho vui. Chị nói thêm, đó là lần hai mẹ con nằm tâm sự đủ thứ trên đời, suốt đêm, một hạnh phúc đơn giản vậy mà không phải con dâu nào cũng có được. Bây giờ thì mẹ chồng đã ra người thiên cổ, chị không biết liệu sau này có con dâu, chị có làm được điều đó hay không!
Có người khẳng định, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bao đời này luôn là mối quan hệ nhạy cảm cho dù hai bên có cố gắng đến đâu. Nhiều lúc càng cố, càng mất! Có phải vậy không thì trải qua nhiều năm tháng sống với nhau mới kết luận được. Có một triết lý, người chết luôn được tặng hoa nhiều hơn người sống bởi vì sự hối tiếc luôn mạnh hơn lòng biết ơn.
Nói thì dễ, nhưng có vào hoàn cảnh mới thấu được. Tuy nhiên, một bà mẹ chồng quả quyết, mình thương con dâu trước thì con dâu sẽ thương lại mình. Vậy mà cô con dâu lại nghĩ, tâm lý con người mong manh, đâu phải muốn thương là thương ngay được!
Tại sao khó vậy khi họ có chung một người để yêu thương là con trai và chồng?
Kim Minh