Khám phá

Nhà phố ở ngoại thành

Ai chẳng muốn được sống trong ngôi nhà phố hiện đại đúng như những gì mình mong ước? Nhưng với nhiều cư dân đô thị, khó khăn về tài chính luôn là một trở ngại lớn trong việc lựa chọn không gian sống “như ý” đó. Chủ nhân ngôi nhà này cũng vậy. Sau rất nhiều đắn đo, họ đã bán căn nhà phố bé xíu chưa tới ba mươi mét vuông trong nội ô, tìm ra ngoại thành để mua một miếng đất rộng hơn, dù vẫn còn khá khiêm tốn. Phần dôi dư từ khoản tiền bán nhà là nguồn kinh phí hạn hẹp cho việc xây mới.

Mặt tiền công trình trong các góc nhìn khác nhau

Khu đất mới rộng 5m x 10m. Nhiệm vụ thiết kế là tạo nên một công trình có quy mô xây dựng một trệt, hai lầu, gồm ba phòng ngủ và các khu chức năng cần thiết khác như phòng khách, bếp ăn… Điều đặc biệt lưu ý là phải tính toán để chi phí xây dựng ở mức tối thiểu. Cũng từ yêu cầu này, ngôi nhà được thiết kế dựa trên phương án sử dụng các vật liệu rẻ tiền, hạn chế chi phí nhân công… Có thể nhận ra điều ấy rất rõ trong cách lựa chọn vật liệu: đá rửa truyền thống và gạch thẻ được chọn làm vật liệu chính cho mặt đứng, riêng phần tường xếp lỗ vừa là nguồn lấy sáng cho tầng phòng khách vừa là mảng trang trí gây ấn tượng cho mặt đứng, ban đêm khi bật đèn phòng khách sẽ tạo ra hiệu ứng ánh sáng thú vị. Phần lớn các mảng tường trong nhà đều được xây thô và quét sơn nước hoàn thiện, tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo về mặt thẩm mỹ.

Tầng trệt – góc nhìn từ bên ngoài vào nhà

Phòng khách, khu vực ăn và bếp trên lầu 1 với nhiều góc nhìn khác nhau, tất cả tạo nên một tổ hợp liền lạc, thoáng và ấm cúng

Không gian sinh hoạt chung nhìn qua khoảng thông tầng từ lầu 2 xuống

Về kiến trúc, các không gian chức năng theo yêu cầu được đáp ứng đầy đủ, tuy diện tích của các phòng ngủ không rộng, nhưng tổng thể lại thoáng, đảm bảo ánh sáng tự nhiên và cây xanh. Dù diện tích giới hạn, nhưng thiết kế vẫn giữ được khoảng thông tầng và giếng trời khá lớn nhằm lấy sáng tự nhiên cho các tầng, giải quyết thông thoáng cho các phòng vệ sinh, tạo môi trường cho cây xanh phát triển. Đặc biệt ở cấu tạo phần mái tôn, hệ mái hai lớp dựa trên cấu tạo của nhà xưởng công nghiệp được vận dụng tạo nên sự đối lưu khí, chống nóng cho hai phòng ngủ bên dưới. Phần mái được chia làm đôi bằng một khe lấy sáng giữa nhà, bên dưới khe sáng này là một hành lang ngắn liên kết hai phòng ngủ. Sàn hành lang bằng gỗ thưa để ánh sáng tiếp tục đi xuống khu vực bếp và cầu thang bên dưới.

Phòng vệ sinh tràn ngập cảm giác về thiên nhiên

Các góc nhìn khác nhau trong phòng ngủ

Tầng trệt gồm có một phòng ngủ, khu vệ sinh chung và gara. Phòng khách và bếp ăn được đưa lên lầu 1. Theo người thiết kế, giải pháp này nhằm tách biệt không gian sinh hoạt chung với khu vực để xe, vốn khá phổ biến ở các ngôi nhà phố có diện tích nhỏ. Đồng thời, nó cũng tăng tính đối nội và tạo một không gian xuyên suốt cho lầu 1. Hai phòng ngủ còn lại đặt trên lầu 2, mỗi phòng đều có chỗ vệ sinh riêng.

Khoảng thông tầng nhìn từ dưới lên

Cầu thang

Ánh sáng từ giếng trời

MẶT BẰNG MÁI

MẶT BẰNG LẦU 2

MẶT BẰNG TRỆT

 

MẶT CẮT

Đi xa hơn để có một không gian sống rộng hơn, đầu tư thật kỹ về mặt thiết kế để có một ngôi nhà khang trang, tiện ích hơn…, đây là lựa chọn của chủ nhân ngôi nhà này và hình ảnh ngôi nhà mới cho thấy họ đã lựa chọn đúng.

Địa điểm công trình: Đường TX 18, quận 12, TP. Hồ Chí Minh
Thiết kế: KTS Nguyễn Thanh Nhàn – Điện thoại: 01697936858

Bài Nam Khương, ảnh Quang Trần

Chia sẻ bài viết này