Bất động sản

Nỗi niềm tình chung, tiền riêng

Yêu nhau, các cặp đôi đều mong được “góp gạo thổi chung”. Vậy mà, sau khi cưới, không ít gia đình lại rơi vào cảnh “tiền anh, anh xài; của em, em quản”. Và cảnh tình chung, tiền riêng đã làm nảy sinh bao tình huống éo le.

Trong cuộc sống hiện đại, không ít gia đình chọn cách độc lập, tự chủ trong chi tiêu để thoải mái, đỡ  ràng buộc. Tuy nhiên, khi áp dụng cách tiền ai, người nấy tiêu, rất cần thái độ bình tĩnh, luôn làm chủ tình hình của người trong cuộc.

»MUÔN NGÀN LÝ DO

Kết hôn đã 5 năm nhưng số lần ăn cơm chung của vợ chồng anh Hòa – chị Thúy (Q. 2, TP. HCM) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỗ làm xa nhau, anh Hòa lại đi dạy thêm buổi tối, để vợ khỏi phải chờ cơm chồng, họ đã quyết định mỗi người tự lo liệu. Tiền lương công nhân của chị Thúy vừa đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Còn thu nhập của anh Hòa, ngoài chi phí ăn uống, xăng xe, điện thoại, anh còn chịu trách nhiệm tiết kiệm để mua đất, làm nhà. Anh Hòa hồ hởi khoe rằng, anh rất hài lòng với việc chi tiêu của gia đình mình. Chị Thúy cũng hào hứng: “Tôi thấy ổn khi hai vợ chồng thỏa thuận rằng tiền ai, người nấy tiêu. Bản thân được chủ động chuyện thu chi, không phải quán xuyến nên tâm lý tôi rất thoải mái. Chuyện vợ chồng, vì thế, cũng không bị ảnh hưởng”.

Đừng để việc chi tiêu riêng tư trở thành nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân
Đừng để việc chi tiêu riêng tư trở thành nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân
Không ít gia đình mà vợ/chồng còn phải lo cho cha mẹ, anh em nhưng ngại chia sẻ với bạn đời cũng chọn cách chi tiêu kiểu “tình chung, tiền riêng” này. Trường hợp chị Hảo – anh Tiến là một ví dụ. Lấy chồng đã được 7 năm nhưng chị Hảo vẫn phải lo cho 3 đứa em ăn học. Lúc đầu, anh Tiến không phản ứng nhưng sau đó, thấy vợ “đầu tư” nhiều cho bên ngoại, anh cảm thấy bực bội. Sau nhiều lần bất hòa vì sự không rõ ràng, phân minh trong chi tiêu của chị Hảo, họ quyết định tiền ai, người đó tiêu; tiền ăn học của con thì chia đôi. Kết quả khá khả quan khi giờ đây, mỗi khi cho em tiền học, chị Hảo đỡ áy náy. Chị không còn phải  thậm thụt che giấu hay tìm lý do “giải trình” với chồng. Gia đình anh chị cũng tránh được những bữa cơm mà ai cũng mặt nặng mày nhẹ như bấy lâu nay.

»ĐỪNG SÒNG PHẲNG THÁI QUÁ!

Tuy nhiên, không phải lúc nào áp dụng quy tắc “tiền riêng, tình chung” cũng mang lại hiệu quả. Anh Toàn (Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Sau một thời gian tận hưởng cuộc hôn nhân với quy tắc “tiền riêng, tình chung”, tôi nhận ra, dường như cuộc sống của mình đang có vấn đề. Nhất là, khi vợ cứ “vô tư” chạy theo những chuyến vui chơi dài ngày với nhóm bạn thân, tôi thấy cô đơn, tủi thân ngay chính trong mái ấm của mình. Tôi thấy mình chẳng khác hồi sống độc thân. Tôi nhớ lại số lần ít ỏi mà hai vợ chồng ăn chung. Tôi thèm biết bao cảnh đầm ấm của gia đình khi vợ nấu ăn, chồng chơi đùa cùng con nhỏ”.

Anh Toàn kể thêm, một lần, do thiếu thận trọng, công việc kinh doanh của anh thất bại. Gọi điện cho vợ để cùng bàn bạc tìm cách tháo gỡ, anh ngỡ ngàng khi nhận được thái độ thản nhiên như người xa lạ của người đầu ấp, tay gối với mình. Cho anh mượn tiền, cô còn dặn đi dặn lại: “Sau này, anh phải trả lại em, không được thiếu đồng nào. May cho anh là em không tính lãi nhé!”. Sau lần đó, anh thấy khoảng cách giữa vợ chồng ngày càng xa. Anh cũng thấy chán cuộc hôn nhân mà mình từng rất tự hào.

Việc chi tiêu trong gia đình nên có sự minh bạch, tinh tế
Việc chi tiêu trong gia đình nên có sự minh bạch, tinh tế

»CẦN SỰ TIN TƯỞNG, TÔN TRỌNG

Không ai phủ nhận được sự chi phối của tiền bạc trong đời sống tình cảm gia đình. Vì thế, thiết nghĩ, quy ước “tình chung, tiền riêng” chỉ phù hợp với từng gia đình, trong từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Các thành viên trong gia đình phải dựa trên tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau khi thỏa thuận cách chi tiêu linh hoạt gắn với điều kiện của gia đình. Việc tiền ai, người đó tiêu luôn yêu cầu vợ chồng phải tuyệt đối tin tưởng nhau. Dù không “kê khai” cụ thể từng món chi tiêu nhưng mỗi người cũng cần tinh tế chứng tỏ với bạn đời rằng, tất cả là trách nhiệm vì gia đình. Đừng để việc chi tiêu riêng tư trở thành một nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân.

Những vấn đề lớn trong gia đình như nuôi dạy con cái, mua nhà đất… đều cần được bàn bạc để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương lẫn nhau. Cha mẹ cũng cần làm gương cho con cái trong việc quản lý, chi tiêu. Qua đó, sẽ giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết về việc quản lý và tiêu xài hợp lý khi hòa nhập cuộc sống.

Theo khoe24h.vn

Chia sẻ bài viết này

Bob La

I am a cooking man! I am making healthy food taste great and happy trip to the world!