Vì sao nên thông báo kết quả phỏng vấn “rớt” cho ứng viên?
Sau một vài tuần không thấy email phản hồi nào về kết quả phỏng vấn, nhiều ứng viên thường ngầm tự hiểu rằng công việc đó đã “vô duyên” với mình và nghiễm nhiên chấp nhận đi tìm việc khác. Ngay cả những công ty lớn đôi khi cũng áp dụng phương pháp này để “bơ” ứng viên không phù hợp. Cùng với lý do bất biến là quá nhiều ứng viên, bởi khối lượng công việc dày đặc, bởi bạn không phù hợp nên không được ưu tiên…. Song, thực chất việc gửi mail “báo rớt” lại rất quan trọng và còn mang lại nhiều lợi ích không ngờ.
Làm “sáng” bộ mặt của công ty
Thông báo kết quả phỏng vấn “rớt” cho ứng viên chính là bạn đang xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, xây dựng bộ mặt công ty hoàn hảo trong mắt ứng viên. Bởi trước khi ứng tuyển vào vị trí đơn vị bạn đang cần thì họ cũng đã đặt niềm tin rất lớn về một tương lai sự nghiệp sáng lạn. Nếu sau buổi phỏng vấn họ biết mình không phù hợp, và nhận được mail từ chối thì dù sau này khi thấy được thông tin tuyển dụng của bạn trên trang web tìm việc nào đó, ứng viên sẽ không tiếc lời khen “Công ty ABC tốt lắm, rất chuyên nghiệp…”, hay “Dù không được nhận vào công ty, nhưng tôi vẫn nhận được mail thông báo khá thân thiện, tôi đánh giá chỗ ấy 5 sao”, “Chắc mình không có duyên khi chưa được nhận vào công ty chuyên nghiệp như vậy”… Chẳng cần phải bỏ tiền quảng cáo rầm rộ, chỉ cần một email đơn giản báo ứng viên không phù hợp kèm lời cảm ơn và lời hy vọng hợp tác vào lần sau, chẳng cần phải mất nhiều thời gian mà điều bạn nhận về rất nhiều đánh giá tốt, sau này việc tuyển dụng cũng sẽ dễ dàng và suôn sẻ hơn.
Thể hiện phong thái lịch sự
Thử tưởng tượng bạn đang nói chuyện với một ai đó, rồi bỗng nhiên người đó im lặng thì sẽ cảm thấy như thế nào? Hay trong cuộc trò chuyện, nếu bạn có nhiều thắc mắc mà không được trả lời tất nhiên sẽ buồn bực. Trong một mối quan hệ nếu bạn đặt nhiều kỳ vọng mà không được đáp lại, tất nhiên sẽ chán chường… Đó chính là hành động bất lịch sự, không trân trọng cuộc nói chuyện với người đối diện. Trong vấn đề tuyển dụng cũng vậy, khi đã có bắt đầu thì nên có một kết thúc. Song, đừng nhầm lẫn lời hứa hẹn “Chúng tôi sẽ hồi âm khi có kết quả” đã là dấu chấm hết cho buổi phỏng vấn. Không thể cho rằng vì nhà tuyển dụng quá bận, hay thời gian của họ quý hơn của ứng viên mà có quyền tạo ra quy luật bất thành văn là “im lặng nghĩa là rớt”. Vì vậy nhà tuyển dụng hãy thật tinh tế, kết thúc quá trình tuyển dụng bằng một email hồi âm kết quả phỏng vấn, dù là chỉ với nội dung giống nhau đại loại như “Chúng tôi đánh giá cao năng lực của bạn nhưng rất tiếc là chúng tôi đã chọn được ứng viên phù hợp.”
Thể hiện sự tôn trọng
Nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải đến đúng giờ, ăn mặc phù hợp. Ngoài ra, các bạn ứng viên đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ từ kiến thức, quá trình đi lại để kịp giờ phỏng vấn, rồi sắp xếp công việc đang làm… Một ứng viên tìm việc làm ở Hà Nội hay bất cứ nơi đâu khác cũng luôn dành thời gian, công sức và tâm huyết, cũng như sự tôn trọng cho buổi phỏng vấn; thì dĩ nhiên nhà tuyển dụng chuyên nghiệp cũng cần thể hiện sự tôn trọng tối thiểu cho ứng viên của mình. Chẳng ai muốn công sức mình bỏ ra chỉ nhận về là một sự im lặng cả. Không tôn trọng ứng viên thì việc không tuyển được người cũng là điều dễ hiểu.
Chứng minh sự chuyên nghiệp trong vấn đề “giao tiếp”
Giao tiếp ở đây là giữa công ty tuyển dụng và ứng viên. Rất nhiều trường hợp sau buổi phỏng vấn, khi người lao động gọi đến hỏi kết quả ứng tuyển thì lại nhận được câu trả lời là “Chờ phản hồi của anh A – Trưởng phòng nhân sự; đợi quyết định của chị B – Phó Tổng Giám đốc; sếp C đang đi công tác chưa về kịp… Khi có kết quả phòng nhân sự sẽ chủ động liên hệ với bạn”. Tất nhiên mỗi lần gọi đến ứng viên chỉ nhận được cuộc giao tiếp chung chung, rập khuôn sẽ làm họ mau chóng chán nản. Nhà tuyển dụng thì lại tự tin mình đang ở thế chủ động 100%. Bởi họ cứ nghĩ người ta “đi xin việc” nên “mình có quyền”. Có thể công ty bạn đã thu hút nhiều ứng viên, có nhiều lúc còn gặp trường hợp “bội thực” ứng viên. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cho phép mình cư xử không hay. Điều này sẽ tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm về một công ty có tiếng tăm nhưng lại không chuyên nghiệp.
Có thể nói, việc không thông báo kết quả phỏng vấn “rớt” cho ứng viên đã dần trở thành một sự mặc định và ứng viên cũng vì thế mà biết cách “sống chung với lũ”, tự rèn luyện thái độ là không trông chờ vào riêng một nhà tuyển dụng nào mà sẽ tiếp tục ứng tuyển, liên tục phỏng vấn. Nhiều trường hợp các nhà tuyển dụng phải “tiếc hùi hụi” khi mất ứng viên sáng giá vì lý do “đợi mail thông báo quá lâu” hoặc “không thấy mail tưởng mình đã bị loại nên nhận lời mời làm việc với công ty khác”. Vì vậy, hãy là nhà ứng tuyển có văn hóa, hãy thể hiện sự tận tình, chuyên nghiệp trong tuyển dụng nhân sự dù là hành động nhỏ nhất và chứng minh bạn là nhà tuyển dụng xứng đáng để ứng viên “chọn mặt gửi vàng”.
CareerLink