Bất động sản

Tư vấn chuyên môn từ bác sĩ: Khám phụ khoa: những điều phụ nữ cần chú ý!

Khám phụ khoa đơn thuần là khám sức khỏe cho vùng âm đạo. Thói quen này giúp “khu vực nhạy cảm” của chị em luôn được bảo vệ. Khi đi khám phụ khoa, chị em nên chú ý một số điều dưới đây để mang lại hiệu quả cao.
Pap Smear là một trong những xét nghiệm phụ khoa thường quy.
Pap Smear là một trong những xét nghiệm phụ khoa thường quy. Nguồn: internet

Bắt đầu khám phụ khoa khi nào?

Với bé gái ở tuổi dậy thì: Nhiều trẻ có kinh nguyệt không đều. Các em có một lần, khoảng 4-5 tháng sau mới hành kinh trở lại. Đây gọi là tiền kinh nguyệt ở trẻ gái dậy thì.

Nhiều trường hợp bỗng nhiên xuất hiện nhiều huyết trắng bất thường. Phụ huynh không nên quá lo lắng, đây chỉ là huyết trắng sinh lý. Việc học, thi cử quá căng thẳng khiến các em phải thức khuya nhiều cũng gây tình trạng này.

Lưu ý đưa trẻ đi khám trong các trường hợp sau: Chảy máu âm đạo, ngực phát triển trước 8 tuổi, đến tuổi 16 vẫn chưa thấy xuất hiện kỳ kinh nguyệt nào hay cơ quan sinh dục phát triển không bình thường.

Với người trưởng thành: Nên đi khám phụ khoa sau khi bắt đầu quan hệ tình dục khoảng ba năm. Khi chuẩn bị kết hôn hay sinh con, đến gặp bác sĩ phụ khoa để được tư vấn, hướng dẫn, thăm khám cũng là điều nên làm.

“Công tác” chuẩn bị

Không nên chọn những “ngày ấy” để đi khám phụ khoa. Chỉ đi gặp bác sĩ khi chắc chắn rằng “đèn đỏ” đã dứt hẳn để không ảnh hưởng đến một số kết quả khi xét nghiệm.

Nên chuẩn bị những câu hỏi mà bạn muốn được giải đáp. Điều này giúp bạn và bác sĩ đỡ mất nhiều thời gian hơn và bạn không phải trở lại gặp bác sĩ chỉ để hỏi thêm.

Trước khi đi khám một ngày, không nên thụt rửa hay đặt thuốc vì sẽ làm bác sĩ khó khăn hơn trong việc tìm ra bệnh.

Nhiều người lo lắng và “cấm cung chồng” một ngày trước khi đi khám phụ khoa. Nhưng, hãy yên tâm, tinh trùng không làm ảnh hưởng đến việc khám phụ khoa.

Khai bệnh đầy đủ

Nên chia sẻ với bác sĩ điều trị tình trạng bệnh của mình như thông báo tiền sử bệnh (nếu có) kèm các giấy tờ, hồ sơ. Thông báo với bác sĩ những loại thuốc gây dị ứng, trước đó đã dùng loại thuốc gì hay từng phát bệnh từ thời gian nào, đã quan hệ tình dục hay chưa…

Sai lầm thường gặp

Không khám phụ khoa hay chỉ khám khi “vùng nhạy cảm” xuất hiện bất thường là sai lầm của nhiều phụ nữ. Nên đi khám và kiểm tra “vùng tam giác” định kỳ 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm bệnh lý và nhanh chóng chữa trị nếu có.

Khi nào nên liên hệ với bác sĩ phụ khoa?

Liên hệ bác sĩ nếu có bất kỳ mối quan tâm về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản hoặc có bất cứ triệu chứng bất thường nào.

Ngoài khám định kỳ, nên chú ý đến ngay bệnh viện hay phòng khám khi có dấu hiệu bất thường như: kinh nguyệt không đều, huyết trắng nhiều, có mùi hôi, đậm màu, lợn cợn máu, bên ngoài âm đạo ngứa, đau lườn bụng dưới, tắc kinh. Phụ nữ mãn kinh bỗng nhiên âm đạo chảy máu, có mùi hôi… cũng nên gặp bác sĩ.

Tư vấn chuyên môn: BS. Huỳnh Thị Trong
Trưởng khoa Sản, Bệnh viện An Sinh, TP. HCM

C. Huỳnh
Theo Tạp chí Sức khỏe

khoe24h.vn 

Chia sẻ bài viết này