Trầm cảm sau sinh: Con mới đẻ ra tưởng như kẻ thù
Tôi đã bắt đầu có cảm giác như mình chẳng khác gì tù nhân, tôi cứ như thế ngồi khóc, đôi lúc ôm con thẫn thờ không hiểu vì sao mình lại sinh con ra để rồi phải chịu khổ như thế này…
Ngày hôm nay, khi đọc tin tức về việc bé trai 33 ngày tuổi bị sát hại ngay trong nhà mình mà nghi phạm lại chính là mẹ ruột – người đàn bà trẻ với những dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh – tôi thực sự thấy rùng mình, sởn gai ốc. Bởi ít ai biết được, tôi cũng đã từng đi qua những ngày tháng khủng khiếp của hội chứng đáng sợ này, cảm thấy mình như ở dưới vực thẳm, coi con mình như cái gai trong mắt và bao phen đã muốn tự kết liễu đời mình.
Điều tôi thấy khủng khiếp nhất là sự cô độc. Không một ai biết. Không một ai hiểu. Không ai thèm cảm thông cho cái chứng bệnh nghe qua thì chẳng phải là bệnh gì như thế. Bố mẹ chồng hờ hững. Chồng vô tâm. Đứa con thì vẫn còn đỏ hỏn, lúc nào cũng chỉ biết nhắm mắt nằm ngủ mà chẳng hề biết mẹ mình ngồi bên đang ôm gối ngồi khóc. Nghĩ lại, tôi thật sự không biết bằng cách thần kỳ nào mà mình đã vượt qua được.
Tôi sinh con ở nhà chồng. Từ bệnh viện ôm con về, chưa kịp trỗi dậy tình yêu thương, sự gắn kết gì lớn lao thì đã phải đối mặt với những thực tế vô cùng nghiệt ngã. Mẹ chồng không cho tắm gội, bắt phải kiêng cữ hoàn toàn cả tháng trời trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 10 mét vuông và chất đầy những đồ đạc. Không được ra ngoài, mỗi bữa mẹ chồng bê lên cho một khay cơm quanh đi quẩn lại cũng chỉ có trứng luộc, thịt kho và rau luộc.
Tôi đã bắt đầu có cảm giác như mình chẳng khác gì tù nhân, mà có khi còn khổ sở hơn thế nữa. Khi người vừa đau vết mổ, vừa ngứa ngáy khó chịu vô cùng vì nóng và kiệt sức. Chồng lại đi làm xa, những lần muốn gọi điện cho chồng tâm sự một chút cũng chỉ nhận được những câu trả lời kiểu như anh bận, hay có chuyện gì nói nhanh lên. Rồi khiến tôi cảm giác sợ hãi, chênh vênh vô cùng.
Tôi cứ như thế ngồi khóc, đôi lúc ôm con thẫn thờ không hiểu vì sao mình lại sinh con ra để rồi phải chịu khổ như thế này.
Mẹ chồng đi ra đi vào soi từng chút một, bố chồng suốt ngày lại đánh tiếng kiểu: “Sao ngày xưa đẻ xong là đi ra đồng làm việc luôn được. Mà lớp trẻ bây giờ lười chảy thây ra thế, suốt ngày nằm ì một chỗ cũng kêu đau!” khiến tôi chẳng biết làm gì ngoài khóc. Rồi cứ tưởng tượng ra những điều thật kinh khủng khiếp. Tôi thấy mình còn chưa nuôi nổi bản thân mình, bây giờ lại phải đeo mang thêm đứa con nữa thì làm sao mà sống nổi.
Đó là những ngày tháng vô cùng túng quẫn, bế tắc và cảm giác không có một lối thoát nào cả. Những nỗi lo âu vô cớ, những lần cáu gắt đến phát điên, những cơn sợ hãi triền miên kéo dài vì nghĩ mình đang nằm ngoài rìa xã hội, không ai cần mình nữa. Rồi tôi sợ chồng đi ngoại tình, cứ mỗi lần gọi điện thoại không bắt máy là cứ tưởng tượng rằng anh đang trên giường với người yêu cũ làm cùng cơ quan. Tôi điên cuồng gọi hàng chục cuộc không được, còn ném thẳng điện thoại vào tường, vỡ tan…
Rồi lại ngồi như một kẻ ngây ngô, khi vò đầu bứt tóc không biết làm thế nào để thoát ra được, khi lại thẫn thờ vô hồn nhìn vào những bức tường trống không. Con khóc tôi cũng mặc kệ, cứ để oe oe như thế vì quá chán nản và đổ lỗi rằng mọi sự hiện tại đều do con mà ra. Đến khi mẹ chồng hốt hoảng chạy vào và quát: “Mày làm sao thế? Con khóc cũng không cho bú à?”, tôi cũng chẳng có tâm trạng gì cả. Cứ như người mất hồn, im lặng dậy đi pha sữa cho con, không muốn bế hay cho con bú nữa. Bao nhiêu dồn nén, uất ức, bao nhiêu sợ hãi trong đầu tôi cũng không thể nói ra.
Nghĩ lại quãng thời gian ấy, tôi vẫn thấy thương và có lỗi với con vô vàn. Tôi thấy mình chẳng khác gì một bà mẹ điên, thiếu việc đem con ra để hành hạ nữa mà thôi, chứ lúc nào cũng xem con như một cái gai trong mắt. Nhưng người tôi trách nhiều nhất vẫn là chồng, khi chẳng hề hiểu lấy một chút cho vợ, lúc nào cũng dửng dưng như không, dăm bữa nửa tháng mới về chớp nhoáng được một chút thì lại bỏ vợ con ở nhà đi đàn đúm rượu bia với bạn…
Tôi đã đi qua những ngày tháng sau sinh đầy sợ hãi như vậy, may sao sau đó được đón về nhà ngoại, ở bên cạnh bố mẹ đẻ cũng cảm thấy đỡ hơn phần nào. Tôi được ra ngoài hít thở không khí, được gặp lại họ hàng, bạn bè thân quen, được trò chuyện nên đã dần quen hơn với việc có con. Đôi khi tôi nghĩ, nếu cứ tiếp tục ở trong phòng đẻ nhà nội như vậy khoảng 1 tháng nữa thì không biết chuyện gì đã xảy ra với mình, có còn được ngồi đây mà viết lại những dòng này hay không.
Vậy mới nói, phụ nữ sau sinh cần nhất là sự quan tâm từ tất cả những người xung quanh. Bởi họ là những người mong manh, yếu đuối và tự ti hơn bao giờ hết nên thực sự rất cần được thấy mình vẫn còn được yêu thương, để không rơi vào tình trạng chán nản, trầm cảm rồi làm những điều tệ hại.
Tôi chỉ mong câu chuyện của mình có thể góp thêm một tiếng nói, những mong các ông chồng hãy quan tâm, yêu thương nhiều hơn đến vợ của mình và các ông bà, hãy đừng đặt thêm bất cứ áp lực nào lên vai con dâu của họ nữa…
Minh Anh