Toàn cảnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trước thềm khai mạc
Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (The Mekong Delta Economic Cooporation), gọi tắt là MDEC do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp thực hiện. MDEC là hoạt động liên kết mở nhằm tăng tính hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương, giữa ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh, các vùng và địa phương trong nước; liên kết giữa ĐBSCL với các tổ chức quốc tế và các nước nhằm phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng to lớn của vùng ĐBSCL.
MDEC là kênh đối ngoại chính thức được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức (theo Quyết định 388/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ) luân phiên hàng năm để tập hợp sáng kiến, cơ chế, chính sách phát triển vùng.
Qua 8 lần tổ chức, MDEC đã diễn ra rất thành công, tạo được dấu ấn và thế mạnh riêng so với các chương trình hội nghị, hội thảo khác về các vấn đề của vùng ĐBSCL. MDEC đã được tổ chức tại các tỉnh như sau:
– Năm 2007 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long chủ động hội nhập WTO”.
– Năm 2008 tổ chức tại Cần Thơ với chủ đề “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông”.
– Năm 2009 tổ chức tại An Giang với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ hội nhập”.
– Năm 2010 tổ chức tại Kiên Giang với chủ đề “Phát huy lợi thế sông, biển – phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
– Năm 2011 tổ chức tại Cà Mau với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long – liên kết phát triển bền vững”.
– Năm 2012 tổ chức tại Tiền Giang với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững”.
– Năm 2013 tổ chức tại Vĩnh Long với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh”.
– Năm 2014, tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp – Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Thông qua MDEC, tính hợp tác và liên kết vùng, liên kết và hợp tác giữa đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành, liên kết và hợp tác giữa ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng hiệu quả và sâu rộng, hướng đến hợp tác phát triển toàn diện. MDEC là nơi quan trọng, biến các sáng kiến, đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt thành quyết tâm chính trị của cả vùng và tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.
Mục đích, ý của của Diễn đàn
MDEC – HẬU GIANG 2016, với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long – chủ động hội nhập và phát triển bền vững” là một hoạt động liên kết mở nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, bàn các giải pháp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với quốc tế; tạo môi trường thuận lợi trong việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường giao lưu hợp tác kinh tế, các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Bắc; huy động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội cho tỉnh Hậu Giang, tạo cơ hội giao lưu văn hóa, triển lãm các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội; các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của tỉnh Hậu Giang.
Khách tham quan quan tâm đến gian hàng trưng bày “Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL-TP.HCM”
Các hoạt động tại Diễn đàn
Các hoạt động chính của Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang 2016, được tổ chức tại thành phố Vị Thanh từ ngày 11 đến ngày 15/7/2016 với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long – chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, gồm có 14 hoạt động chính (trong đó, có 05 hoạt động do Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, từ mục 1.9 đến 1.14) cụ thể như sau:
Hội nghị liên kết phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Lễ khai mạc MDEC – Hậu Giang 2016
Hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long – Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”
Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long
Diễn đàn Doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2016
Hội thảo “Các biện pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL”
Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Hậu Giang
Hội thảo “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị”
Hội nghị Ban Chỉ đạo và Bế mạc MDEC – Hậu Giang 2016
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang
Hội chợ Công thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Hội nghị sơ kết công tác bình ổn thị trường 06 tháng đầu năm 2016 giữa các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh.
Khởi công, khánh thành một số công trình trên địa bàn hưởng ứng MDEC – Hậu Giang 2016
Giới thiệu, quảng bá các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương
Các hoạt động kết hợp
Hoạt động truyền thông: Ban Thư ký MDEC mời một số cơ quan báo chí bảo trợ thông tin. Phối hợp xây dựng chuyên mục định kỳ trên kênh Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang nhằm quảng bá MDEC – Hậu Giang 2016. Cung cấp thông tin trên website Diễn đàn: www.mdec.vn và website: mdec.haugiang.gov.vn. Tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn. Thực hiện công tác truyền thông ngoài trời thông qua các panô, băng rôn, cờ phướn ở các tỉnh, thành Tây Nam Bộ và thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức Cuộc thi “Người đẹp miền Hậu Giang”
Thời gian: Tổ chức từ ngày 13/7/2016 đến ngày 15/7/2016 trong khuôn khổ Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL.
Hiệu quả từ việc tổ chức MDEC – Hậu Giang 2016
Hiệu quả về kinh tế
– Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL.
– Thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mặt hàng chủ lực như: Lúa, gạo, trái cây, tôm cá, tạo sự thống nhất chuỗi ngành hàng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông nghiệp; phối hợp giữa các địa phương xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL; giới thiệu công nghệ kỹ thuật cao sản xuất, chế biến nông sản.
– Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của vùng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác kinh tế, các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các địa phương trong cả nước, với các bộ, ngành Trung ương.
Hiệu quả về chính trị
Đây là môi trường tốt để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Xây dựng được mối liên kết giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; giữa vùng và các địa phương trong cả nước; giữa vùng với các tổ chức quốc tế… nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để phát huy tiềm năng của vùng trên nhiều lĩnh vực.
Hiệu quả về xã hội
MDEC – Hậu Giang 2016 với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long – chủ động hội nhập và phát triển bền vững” còn có hoạt động công bố quỹ an sinh xã hội, vinh danh các đơn vị ủng hộ quỹ an sinh xã hội vùng Tây Nam Bộ và tỉnh Hậu Giang năm 2016 mang ý nghĩa tôn vinh, tri ân các mạnh thường quân đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân trong tỉnh. Hội thảo khoa học và ghi nhận công lao đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân – những người đã cống hiến sức lao động và trí tuệ để làm ra hạt lúa – gạo trong nhiều thập niên qua, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp – nông dân và nông thôn Việt Nam bền vững, hiện đại.
A.T