Thông tin giật mình về ‘kẻ giết người số 1’ hầu hết người Việt không biết mình mang bệnh
“Kẻ giết người thầm lặng” này có các triệu chứng nguy hiểm chết người nhưng diễn ra âm thầm.
Tại toạ đàm sinh hoạt y khoa Pháp – Việt vừa diễn ra tại Hà Nội với chủ đề tối ưu hóa quản lý các bệnh không lây nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, là thách thức rất lớn với ngành y tế.
Trong đó bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số ca tử vong.
Đáng lưu ý, tỉ lệ chẩn đoán và quản lý 2 bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường tại Việt Nam rất thấp. Cụ thể, đến năm 2015, tỉ lệ tăng huyết áp chưa được chẩn đoán lên tới gần 57%, tỉ lệ này ở đái tháo đường là gần 70%; về quản lý bệnh, chỉ có hơn 13% bệnh nhân tăng huyết áp và gần 30% bệnh nhân đái tháo đường được quản lý.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại cuộc toạ đàm sinh hoạt y khoa Pháp – Việt
Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế; người bệnh chưa tuân thủ điều trị; nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt hoạt động khám, phát hiện sớm bệnh, điều trị tập trung chính vào cung cấp thuốc, chưa thực hiện các tư vấn, can thiệp về các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tư vấn về tuân thủ điều trị…
Đây là thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường ở Việt Nam.
Riêng với căn bệnh tăng huyết áp, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia chia sẻ những thông tin giật mình về căn bệnh này được đặt tên “kẻ giết người thầm lặng”.
Theo đó, tăng huyết áp là một trong những bệnh tim mạch phổ biến nhất và tỉ lệ người Việt mắc bệnh ngày càng gia tăng.
Mới đây nhất, vào năm 2015, Viện Tim mạch quốc gia tiếp tục điều tra dịch tễ tại 8 tỉnh, cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp ở nhóm đối tượng trên 25 tuổi đã tăng lên 47,3%, tương đương gần 21 triệu bệnh nhân. Tức là cứ 2 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp. Đối với người trên 18 tuổi, tỷ lệ này là 25%.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho hay với tỉ lệ này, Việt Nam thuộc nhóm những nước có tỉ lệ mắc tăng huyết áp cao nhất thế giới và tốc độ tăng từng năm cũng rất cao. Trong khi các nước chỉ khoảng 0,3-0,5%, Việt Nam chúng ta mỗi năm tăng 1%.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng
Các chuyên gia trên thế giới đặt cho tăng huyết áp cái tên là “kẻ giết người thầm lặng”. Điều này là do các triệu chứng bệnh nguy hiểm nhưng diễn ra âm thầm.
Rất nhiều người không hề biết mình bị bệnh tăng huyết áp, đến khi gặp hoạ về những biến chứng tim mạch như bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, vỡ mạch máu não…, thì mới biết mình có tiền sử bệnh tăng huyết áp. 90-96% bệnh nhân đột quỵ không hề biết mình mắc tăng huyết áp.
Trong biến chứng tim mạch do tăng huyết áp, có những bệnh mất thời gian lâu mới nguy kịch, như suy tim (khoảng 5-10 năm), nhưng lại có biến chứng có thể xảy ra bất kỳ ai, độ tuổi nào, như nhồi máu cơ tim.
TS Phạm Mạnh Hùng cho hay, trong gia đình có người mắc tăng huyết áp, nguy cơ con cái mắc bệnh này sẽ cao hơn những người khác. Điều này cho thấy nếu sinh ra trong gia đình có bố mẹ mắc bệnh, con cái cần có ý thức kiểm soát sớm huyết áp của mình.
Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, kiểm soát tăng huyết áp không khó và chi phí rất rẻ, chỉ 2.000 – 3.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, trên 70% người bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam không kiểm soát huyết áp như đúng kỳ vọng (bỏ thuốc, dùng không đúng liều, không được phát hiện, không được điều trị…).
Do đó, gần 3 năm nay, dự án “Ngày đầu tiên”, với sự điều hành Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết – đái tháo đường Việt Nam tập trung tăng cường nhận thức, tầm soát phát hiện sớm 2 bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho người dân, giúp người dân có kiến thức tự quản lý bệnh và tuân thủ điều trị ngay từ ngày đầu tiên.
Mai Lan