Sống trên cao, làm sao hài hòa?
Ở chung cư, nhất là căn hộ chung cư cao tầng, đang ngày càng là xu thế tất yếu của cư dân đô thị đất chật người đông. Càng lên cao giá căn hộ càng tăng, bởi xa được ồn ào ô nhiễm dưới mặt đất, có tầm nhìn quang đãng hơn, nhưng cũng kèm theo nhiều vấn đề bất an trong tâm sinh lý cư dân tại những nơi “gần trời xa đất”. Đó cũng là mối quan tâm của phong thủy hiện đại, làm sao để hài hòa, cân bằng và bình an cho cư dân nơi căn hộ tầng cao.
Điểm danh các nguy cơ hiện hữu
Không gian luôn biến đổi theo nhịp thời gian với màu sắc, âm thanh, phong cảnh, mưa gió… có ảnh hưởng đến các chu trình sinh học, tâm lý và sức khỏe con người. Các giác quan liên hệ, cảm nhận về môi trường với rất nhiều những yếu tố vô hình và hữu hình như không khí, bức xạ điện từ, các ion, các lực tương tác vũ trụ… thông qua không gian kiến trúc, vừa cần đảm bảo những nhu cầu sinh hoạt của con người (ăn, ngủ, nghỉ) vừa trực tiếp thay đổi theo chu kỳ ngày đêm, tiết khí, tuổi tác… Người càng cao tuổi càng không thoải mái khi sống trên chung cư, nhất là trong căn hộ thiếu sự chỉn chu về tiện nghi và thiếu vắng thiên nhiên. Bản chất không gian trên căn hộ được tổ chức khác với kiểu không gian kiến trúc truyền thống gắn bó với con người bao năm và đã thành nếp văn hóa cũng như cách ứng xử thân quen với môi trường chung quanh.
Tầng cao cũng khiến con người bị tách khỏi mặt đất, mất đi thụ cảm về âm thanh, mùi vị, bề mặt của thiên nhiên như nước chảy, lá rơi, hoa nở, mất đi cảm giác được vỗ về của tán cây vòm lá hay dòng sông bến nước. Vấn đề chuyển tiếp giữa môi trường bên trong và bên ngoài chưa được giải quyết tốt, ví dụ như sự khác biệt quá lớn khi bên ngoài nóng mà trong căn hộ thì bật máy điều hòa, trong khi nếu ở dưới đất thì nhờ hàng hiên, mặt nước, thảm cỏ quanh nhà sẽ mang tác dụng chuyển tiếp rất tốt.
Dù có được nhiều dịch vụ tiện ích, chung cư cao tầng lại thiếu đi các không gian sinh hoạt cộng đồng kiểu tình làng nghĩa xóm hoặc hàn huyên phố chợ. Những khối hộp bê tông, kính, thép, đi cùng hệ thống kỹ thuật, điện tử, ngày càng tách con người ra khỏi thiên nhiên vốn đã ít ỏi trong đô thị, tách khỏi những yếu tố văn hóa thân quen, khiến người ta dễ phát sinh trầm cảm và cô độc. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay stress và nhồi máu cơ tim tăng cao do cuộc sống đô thị, dẫn đến hằng năm có 49 triệu người chết, trong đó 75% là có liên quan đến lý do bị cách biệt với môi trường tự nhiên và thường xuyên bị căng thẳng, xáo trộn trong nếp sống hằng ngày tại các vùng đô thị.
Chọn lựa để dung hòa
Nơi cư trú trong cao ốc lâu nay đa phần được tổ chức khác biệt so với kiểu không gian kiến trúc truyền thống bám đất bám nền. Ở trên căn hộ cao tầng hay làm con người mất đi cảm giác về mặt đất và thiên nhiên. Việc di chuyển từ tầng thấp lên tầng cao bằng thang máy cũng là bước chuyển đột ngột, dễ gây nên sự mất cân bằng về nhịp sinh học. Hệ thống máy lạnh, thiết bị điện và điện tử… bên cạnh tính tiện nghi cao cũng phần nào tách con người ra khỏi thiên nhiên, dễ sinh bệnh tật và tâm lý không thoải mái, nhất là với người cao tuổi. Phong thủy khi kết hợp với khoa học hiện đại đã nhận ra các vấn đề trên và không ngừng tìm kiếm giải pháp để đảm bảo duy trì và cân bằng nhịp sinh học trước đặc thù kiến trúc cao tầng. Các giải pháp cơ bản tập trung vào hai vấn đề chính, đó là chọn lựa “phần cứng” của chung cư hài hòa với tâm sinh lý cộng đồng, và “phần mềm” là đưa thiên nhiên vào các căn hộ trong điều kiện có thể.
Vì mua căn hộ là “mua” cả môi trường – tiện ích – cộng đồng chung quanh, nên cần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố này bên cạnh thông số kỹ thuật thường thấy, vì đó là các dữ liệu gia chủ khó lòng biến đổi được. Yếu tố phong thủy mà cha ông ta hay nói “nhất cận thị – nhị cận lân” đến nay vẫn nguyên giá trị để làm tiêu chuẩn chọn lựa vị trí chung cư gần nơi mua sắm tiện ích (thị) cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản, và có láng giềng thân thiện (lân). Đó cũng là những điều kiện giao tiếp xã hội mà nếu không có đủ thì chắc chắn sẽ tách cư dân ra khỏi môi trường sống, khiến họ luôn cảm thấy mình chỉ là người “ăn ở tạm thời”, khó có thể an cư lâu dài. Các khu chung cư có không gian sinh hoạt cộng đồng, sân đi dạo, sân bãi thể thao… luôn được thêm điểm cộng khi chọn lựa.
Bản chất nơi sống luôn cần khoảng trống có ích, nên một không gian bao quanh, không gian hít thở, không gian nhìn ngắm… phải song hành với các tiêu chuẩn về diện tích và tiện ích. Từ xưa phong thủy đã nêu tầm quan trọng của Minh Đường – khoảng trống trước nhà có ánh sáng nắng gió – hay vùng Thanh Long, Bạch Hổ (các phần bên trái – phải của ngôi nhà). Hiện nay cũng vậy, cần tránh mua chung cư theo kiểu chui vào cái hộp bít bùng hoặc mở ra gặp phải gió lùa, chịu nắng gắt thì rất bất lợi về sức khỏe. Dĩ nhiên không ai có thể tinh tường và may mắn để chọn được căn hộ đáp ứng đủ nhu cầu mình muốn (đó là chưa kể đến giá tiền), nên phải chấp nhận chọn lựa trên tinh thần phong thủy “đa cát thắng thiểu hung”, sao cho được nhiều yếu tố lợi thế hơn, giảm thiểu các bất lợi bằng giải pháp nội thất, trang trí sau này.
Đưa thiên nhiên vào nơi ở
Ở phương diện chung, rất cần tiêu chí cụ thể cho các không gian cơ bản của một chung cư cao tầng, đó là không gian giao tiếp cộng đồng, không gian dịch vụ, không gian thư giãn cho nhiều lứa tuổi… Để đảm bảo mối liên hệ tốt giữa chung cư với nhịp sinh học con người, nên tập trung vào các vấn đề từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao, cụ thể như: bố trí khối nhà trong vùng bảo vệ của cây xanh, có xen lẫn vườn giữa cụm công trình; để trống tầng một (tầng trệt) để tổ chức khu giao tiếp công cộng kết hợp với vùng đệm chuyển tiếp môi trường trong và ngoài nhà; tạo được các lớp không gian thứ tự đi từ ngoài vào như cây xanh cách ly – đường dạo – tường xanh chuyển tiếp – sân trống hoặc hàng hiên có mái nhà – cây xanh tiểu cảnh mặt nước – không gian sử dụng chính.
Việc giảm bớt bề mặt bê tông hóa mà tăng cường bề mặt tiếp xúc đất tự nhiên sẽ vừa giảm tích nhiệt, thấm nước mưa tốt, vừa tăng cường thụ cảm thiên nhiên cho cư dân, cũng như sử dụng vật liệu địa phương (đá thô, gạch trần…) cho một số không gian chung, nơi thư giãn và sinh hoạt cộng đồng. Sử dụng các loại trang thiết bị có chọn lọc, quan tâm đến vị trí lắp đặt tại những nơi ít ảnh hưởng xấu đến không gian cũng như con người (vị trí gần các hộp kỹ thuật, thông hơi, khoảng cách lắp đặt an toàn, có cây xanh che chắn…).
Khi đi vào phần riêng của căn hộ, cần tạo cảm giác quen thuộc như dưới mặt đất qua cách tổ chức tiểu cảnh, tạo âm thanh và màu sắc tự nhiên của cây xanh, tiếng nước chảy… tại các lớp đệm, không gian nửa trong nửa ngoài như hành lang, ban công. Về mặt phong thủy, làm tiểu cảnh phải xét đến nhiều yếu tố liên quan trên cơ sở chữ An trong lòng gia chủ là quan trọng hơn cả. Nếu mảng tiểu cảnh giúp cho gia chủ mỗi ngày nhìn ngắm cảm thấy thư thái dễ chịu thì tốt. Còn ngược lại, nếu làm thiếu cân nhắc thì chưa chắc đã phù hợp về ánh sáng, kết cấu, sinh hoạt… của nhà mình, gây phản tác dụng. Ví dụ, nếu mảng cây xanh đặt ở gần cửa sổ hay ban công thì mới cân bằng âm dương nhờ có nắng gió bên ngoài, ngược lại đặt trong góc nhà tối tăm thì sẽ gây âm thịnh dương suy, độ ẩm tăng cao, không tốt cho nội thất. Nếu làm mảng tiểu cảnh khô rải sỏi thì phải chú ý có khoảng nhìn ngắm tương xứng, tránh làm theo kiểu “nhồi nhét” ở một góc nào đó. Đá sỏi hay cây cối cần thật tự nhiên, bởi tinh thần cơ bản của nhà truyền thống Việt là sự tao nhã và gần gũi, chứ không phải phô trương cây cối quý hiếm hay tạo hình dáng cầu kỳ. Ngoài ra, nên lưu ý đến tính thời điểm các mùa khác nhau hoặc các ngày lễ tết đều có thể thay đổi tiểu cảnh, tìm cách sắp xếp khác để đem lại sinh khí mới cho ngôi nhà. Ví dụ như sắp đặt nội thất nhân dịp tết cổ truyền, làm tiểu cảnh hợp với chủ đề Giáng sinh… để không gian vui tươi năng động hơn là tiểu cảnh cố định đơn điệu.
Về giải pháp, nên tăng tỷ lệ dùng chất liệu gần với tự nhiên (gỗ, đá, gạch trần…) khi hoàn thiện nội thất căn hộ ở một số góc thư giãn nghỉ ngơi, phòng sinh hoạt chung, ban công. Cố gắng giảm việc ngăn chia kín, tạo thêm khoảng hở để tăng độ mở, tăng góc quan sát cho nội thất ra ngoài bằng cách dùng tủ kệ hở, vách kính hoặc vách trượt.
Bài ThS-KTS Hà Anh Tuấn, Ảnh Xuân Trang