Những chiếc gu tay
Mẹ tôi hay nói về đôi tay và về những cái gu tay! Vậy bạn có biết gu tay là gì không? Đó chính là những khớp ngón tay, nơi chiếc nhẫn đi qua thường bị vướng lại, bởi vì những lóng tay thường thon hơn là đốt tay. Khi ta xỏ nhẫn vào ngón tay, những ai có gu tay lớn rất khó đẩy chiếc nhẫn vào tận lóng tay trong cùng, vị trí của một chiếc nhẫn trên bàn tay. Khi gặp một phụ nữ, dầu ở lứa tuổi nào, mẹ tôi thường nhìn vào bàn tay của họ và sau đó, kể lại nhận xét của mẹ với con cái. Lâu lâu mẹ tôi lại phê bình rằng cô bác sĩ này, chị trên xã kia nhìn rất sang rất đẹp mà gu tay lại to quá, xấu quá. Mẹ luôn nghĩ rằng người làm việc “bàn giấy” thì phải có đôi tay đẹp. Những bàn tay có gu tay to không chỉ mang nhẫn rất xấu mà trong đời sống còn thường xuyên vất vả, cực nhọc. Nói như vậy chắc bạn cũng đang tò mò về bàn tay của mẹ tôi, hẳn là thon đẹp lắm phải không? Không đâu, thực sự là mẹ tôi có gu tay rất to!
Suy nghĩ ấy có lẽ đã ăn sâu vào lòng mẹ từ thời còn nhỏ, chắc rằng từ thời bà ngoại, bà cố; hoặc mẹ nghe thấy từ những phụ nữ lớn tuổi khác. Cho nên khi sanh chị em tôi ra, nuôi dạy lớn khôn… mỗi lần thấy chị em tôi bẻ tay là mẹ la ngay. Đặc biệt là hai chị của tôi. Mẹ nói con gái tay phải đẹp mới được, nhìn vào người ta mới có cảm tình. Mẹ tôi đã nói như vậy đó, mặc dầu bàn tay của mẹ thì thô ráp, gồ ghề với những cái gu tay nhô lên, không thích hợp với những chiếc nhẫn xinh đẹp chút nào!
Các chị tôi học rất giỏi, mẹ nói rằng các chị lớn lên sẽ làm việc “bàn giấy”. Mẹ tôi tự hào lắm khi nhận xét của mình đã có cơ sở vững chắc, ngày các chị có giấy báo vào đại học. Rồi các chị đi học xa, lâu lâu mới về. Về tới nhà là các chị xúm vô làm việc nhà phụ mẹ, nhưng những lần như thế mẹ lại can ngăn không cho. Bởi mẹ tôi sợ con gái mình sẽ có gu tay! Thế là mẹ tôi làm hết mọi việc. Dù hai chị tôi có phản đối đến mức nào cũng chỉ có thể phụ giúp được các việc nhẹ nhàng như rửa rau, phơi đồ, úp chén… Thỉnh thoảng mẹ tôi lại cầm tay các chị, đặt lên tay mình, nhìn ngắm rồi cười rất hài lòng. Mẹ tự an ủi bản thân bằng các ngón tay trơn tru, đẹp đẽ của hai chị. Hài lòng khi những đứa con làm việc “bàn giấy” của mình có bàn tay đẹp.
Còn người mẹ của chúng tôi thì gu tay vẫn rất to. Ừ! Làm sao khác được vì mọi chuyện trong gia đình, đồng áng, mẹ đã cùng cha gánh vác không một tiếng thở than. Có lúc tôi hỏi mẹ: “Mẹ, hồi còn con gái chắc tay mẹ đẹp lắm!”. Mẹ tôi cười “Ừ” một tiếng, mà niềm vui lấp lánh trong đôi mắt. Nhưng lúc ấy lòng tôi lại thấy đau đau. Bàn tay ấy, tuổi thanh xuân ấy, mẹ đã đổi lấy những gì tốt đẹp nhất cho chị em chúng tôi. Mẹ nâng niu từng chút cho chị em tôi, tránh cho chúng tôi những cái gu tay, nhưng hiện lên trên tay mẹ lại là những vết chai sần do thời gian, do công việc vất vả để lại…
Bây giờ, tôi hay nhìn tay các bạn, chị em gái, dì, bác gái… nói chung là tay của những người phụ nữ để rồi đoán biết rằng họ có một người mẹ thương yêu, lo lắng cho con hay chính họ là những người mẹ hết lòng bảo bọc con.
Võ Đăng Khoa