Ngô Bích Phượng – Nghệ thuật sinh ra từ những năm tháng khổ đau, đầy nghị lực
Tối ngày 8/11/2016, buổi lễ ra mắt các tác phẩm của nữ nhà báo Ngô Bích Phượng đã diễn ra trong không khí thân mật ấm cúng. Nữ nhà báo đã trải lòng về câu chuyện của cuộc đời mình, cùng âm điệu tại phòng trà Tiếng Xưa tất cả dấy lên cảm xúc khắc khoải về những hoài niệm đã qua.
Chị là một người phụ nữ đầy lòng trắc ẩn, nhân hậu vị tha. Sinh ra trong cảnh đời cơ cực, mồ côi cha từ khi còn bé, chị đã phải gồng gánh giúp mẹ nuôi em. Bao nhiều lần cõng em đi ăn xin, bao nhiêu lần hứng chịu đòn roi từ những người chủ quán mà chị làm thuê là bấy nhiêu tủi nhục, khó khăn quấn lấy tuổi thơ chị. Chúng tôi chưa được biết nhiều về chị, chị cũng không giỏi nói về mình. Trong họp báo, chị chỉ khóc nghẹn ngào, chị sống trong cảm xúc. Nếu chỉ dùng thính giác để nghe, ta sẽ chẳng thành công. Việc hiểu một người nghệ sĩ sống nội tâm giống như thưởng thức một bản nhạc xưa, phải dùng trái tim và tâm hồn đồng cảm để chiêm nghiệm.
Nhà báo – nhà văn – nhà thơ – ca sĩ Ngô Bích Phương, có quá nhiều danh xưng nói về chị – một người phụ nữ đa tài. Chị bén duyên với nghề báo qua ngòi viết sắc sảo và đầy lòng nhân ái chuyên mảng Công tác xã hội. Suốt chặng đường dài làm báo và thiện nguyện, quá khứ luôn là một phần khôn nguôi và đã được chị gói gém vào trong tập tự truyện “Hạt bụi còn vương”. Từ khi xuất bản năm 2009, “Hạt bụi còn vương” đã phát hành hơn 4000 bản, trở thành cầu nối đến với độc giả và khích lệ tâm hồn người nghệ sĩ đầy đam mê.
Với bút danh Ngô Bích Phượng, chị được biết đến như một nhà thơ trữ tình đích thực, qua các bài thơ được đăng trên các báo lớn nhỏ suốt 10 năm qua. Chị chọn ra 68 bài ưng nhất, đưa vào tập thơ “Khung trời của Phượng”. Bên cạnh những vần thơ đắm đuối thể hiện tình cảm sâu lắng và dịu dàng của một người con gái vào tuổi yêu đương, Ngô Bích Phượng còn viết về các vùng đất mình đã gắn bó và lưu lại nhiều kỷ niệm bằng ngôn từ nồng ấm, tha thiết, chân thành. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số bài trong tập thơ này là Phượng dành để viết về cha.
Tình cha vừa là thứ tình cảm thiêng liêng, vừa là khao khát mãnh liệt mà người con mồ côi luôn khắc khoải. Nữ nhà báo – nữ nghệ sĩ Ngô Bich Phượng mỗi khi nhớ về cha thường nén suy tư, chắt chiu qua từng trang giấy. Hồn thơ nhẹ nhàng tình cảm nhưng đượm buồn cho ta cái nhìn trìu mến về khung trời riêng của Phượng.
Tại buổi gặ pgỡ, chị Phượng còn khiến mọi người bất ngờ với tài năng ca hát của mình với việc mạnh dạn thể hiện và cho ra đời MV ca nhạc “Tình khúc chiều mưa”. Chưa kịp trầm trồ với nỗ lực của nữ nhà báo trong đam mê ca hát, mà chị còn khiến khán phòng thán phục khi thể hiện một bài hát live chứa chan tình cảm, giọng ca tự sự thiết tha. Đươc biết MV “Tình khúc chiều mưa” do chị và ekip thực hiện cách đây một tháng, với những thước phim được ghi hình tại thành phố sương mù Đà Lạt, phảng phất cái hồn thơ trữ tình của người nghệ sĩ đam mê ca hát với nét đẹp nao lòng người từ các danh lam thắng cảnh Đà Lạt.
Chị chia sẻ về việc rất thích bài hát “Tình khúc chiều mưa” – khi từ nhỏ, chưa có điều kiện, chị thường ghé nhà hàng xóm nghe ca khúc này cũng trong những lần trời đổ mưa. Đó có thể là cái duyên, là nguồn vui, chị cố gắng thực hiện đam mê ca hát bằng nổ lực học thanh nhạc với người thầy – ca sĩ Isaac Thái, ca sĩ Nguyệt Anh The Voice và bạn bè đồng nghiệp. Việc cho ra mắt CD “Mắt hoa niên” gồm 4 bài hát: “Lời cuối cho em”, “Dấu tình sầu”, “Tình khúc chiều mưa”, “Hạnh phúc lang thang” như là một khởi đầu cho hành trình âm nhạc mà chị đang nung nấu.
Với Ngô Bích Phượng – người phụ nữ tài ba, dường như mọi thăng trầm cuộc sống đều được chị hóa phép nhiệm màu thành bức họa chân thực đi vào tâm hồn những ai ái mộ nghệ thuật. Có thể trong từng trang văn, từng dòng thơ hay từng câu hát sẽ chưa được điêu luyện nhưng với tâm tình của một người nghệ sĩ say mê và trăn trở, chị sẽ tiếp tục mang đến cho chúng ta những khung trời mới, những tác phẩm mới đầy ấn tượng trong tương lai.
Mỹ Phương