Nghe dân bản địa chia sẻ lý do vì sao thông minh, chăm học là thế mà tiếng Anh của dân Nhật vẫn mãi “lẹt đẹt”
Mặc dù có 12 năm học tiếng Anh bắt buộc, tiếng Anh của người Nhật vẫn khá kém so với cư dân ở các nước phát triển khác.
Mặc dù có đến 12 năm phổ thông học tiếng Anh trong chương trình chuẩn, nhiều người Nhật trưởng thành vẫn gặp khó với tiếng Anh và không sử dụng được thành thạo “ngôn ngữ toàn cầu” này.
Thời gian này, Nhật Bản đón 2 sự kiện quốc tế lớn là Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 vừa qua và Triển lãm quốc tế Expo 2025 tại Osaka – do vậy, đất nước này đã có nhiều nỗ lực đáng kể để gia tăng khả năng toàn cầu hóa của người dân.
Trong lúc đó, cùng nhìn lại những lý do vì sao người Nhật học mãi không giỏi tiếng Anh, qua chia sẻ của một người Nhật chính gốc. Keisuke Tsunekawa sinh ra và lớn lên ở Nhật, đi học ở trường Nhật và tự học tiếng Anh. Dưới đây là những quan sát của anh.
Việc học tiếng Anh chỉ dừng ở các bài giảng nông cạn, với cách “học gạo” để đi thi
Theo Keisuke, trong giáo dục tiếng Anh ở Nhật, các trường học đa số chỉ tập trung vào các kỹ năng đọc và viết, phần lớn chỉ vì mục đích qua dược các bài kiểm tra và kỳ thi. Do đó, các kỹ năng thiết thực cho giao tiếp như nói và nghe bị bỏ qua một bên.
Nói cách khác, các trường học ở Nhật thiếu phương pháp giảng dạy cách áp dụng tiếng Anh trong đời sống thường nhật. Kể cả khi đã thành thạo kỹ năng đọc hiểu đến mức đủ nắm được một đoạn trích tiểu thuyết và trả lời câu hỏi, hoặc viết được những bài luận dài, những kỹ năng ấy vẫn rất khác với việc giao tiếp cùng người bản xứ.
Hon nữa, Keisuke chỉ ra rằng vấn đề đọc-chép truyền thống đã ảnh hưởng quá sâu đến các lớp học tại Nhật, khiến học sinh chỉ tiếp thu kiến thức một chiều mà không có cơ hội tương tác, trải nghiệm và thử-sai để rút kinh nghiệm. Đó là chưa kể quy trình kiểm tra lỏng lẻo khiến các giáo viên trình độ kém cũng có thể nhận việc.
Tâm lý sợ sai của học sinh Nhật một phần bắt nguồn từ thói quen cố hữu ở nước này khi quá đề cao vai trò tập thể mà bỏ qua tính cá nhân, khiến học sinh cũng sợ luôn cả sự khác biệt. Từ đó, nhiều người trở nên rụt rè và không dám trả lời câu hỏi hay phát biểu ý kiến, sợ xấu hổ và ngại thử thách.
Tiếng Anh không phải công cụ mang tính sống còn trong xã hội Nhật
Các khu vực đông đúc như Kanto (Tokyo, Yokohama, v.v.) và Kansai (Osaka, Kyoto, v.v.) có lượng cư dân và khách du lịch nước ngoài tương đối cao, nhưng các vùng khác có rất ít cơ hội để mọi người tiếp xúc với người nói tiếng Anh, vì vậy có rất ít người cho rằng tiếng Anh là cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, trên quy mô quốc tế, Nhật Bản là một xã hội khá đồng nhất về mặt sắc dân, với phần lớn dân số là người bản địa Nhật Bản. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Nhật, và lượng khách du lịch nước ngoài cũng tăng lên. Số lượng người không phải là người Nhật trên đường phố đặc biệt tăng lên ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ người không biết tiếng Nhật so với dân số Nhật vẫn còn thấp đến mức không có lý do gì để người Nhật phải học tiếng Anh để “đáp ứng” người nước ngoài.
Thói quen “nội địa hóa” các yếu tố quốc tế
Một lý do lớn khiến việc học và tiếp xúc tiếng Anh càng khó với người Nhật là vì họ rất giỏi biến các yếu tố, thậm chí từ ngữ quốc tế thành của mình. Nguyên do là bởi, tiếng Nhật có cách phát âm hoàn toàn khác với tiếng Anh và không dùng bảng chữ cái alphabet, nên các từ mượn gốc tiếng Anh đều bị “Nhật hóa”.
Ví dụ, từ “application” (ứng dụng) trong tiếng Anh được “biến đổi” thành “apuli”, hay “petrol car” (xe chạy xăng) thì thành “patocaa”… Những từ như vậy là vô số kể và chúng được biến đổi nhằm có thể biểu diễn qua bảng chữ cái katakana của Nhật, giúp người Nhật dễ tiếp cận hơn nhưng đồng thời “tiêu diệt” luôn nhu cầu học và đọc đúng từ tiếng Anh gốc.
Đó là chưa kể người Nhật phát âm âm “r” và “l” giống hệt nhau, nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt các trường hợp như giữa “right” (bên phải) và “light” (ánh sáng).
Tệ hơn, trong tiếng Nhật còn có một khái niệm là “Wasei eigo” ám chỉ những từ tiếng Anh do người Nhật “tự chế” mà người dùng Anh ngữ bản địa còn không hiểu.
Lấy ví dụ, các từ như “charm point” (tính năng ăn khách của một sản phẩm), “skinship” (tiếp xúc cơ thể), “morning call” (hồi chuông cảnh tỉnh) đều là những từ người dùng Anh ngữ bản địa không thể hiểu được. Người Nhật dùng những từ “tự chế” này trong ngôn ngữ hàng ngày nhiều đến mức họ cứ nghĩ người nước ngoài cũng dùng, nên càng gây ra nhiều bất đồng trong giao tiếp.
Nguồn: Tsunagu