Ngày Đột quỵ thế giới 2017: Bayer hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ hiệu quả cho bệnh nhân Việt Nam
Nhân kỷ niệm Ngày Đột quỵ thế giới 29/10, Bayer đã phối hợp với Hội Y tế Công cộng TP.HCM và đối tác truyền thông VTV9 tổ chức buổi tọa đàm “Đột quỵ: Có thể phòng ngừa?” tại TP.HCM ngày 21/10 vừa qua. Buổi tọa đàm có sự tham dự của TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM và bà Trần Thị Lan Hương, Giám đốc Y khoa, Nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam.
Việt Nam hiện là quốc gia có dân số trẻ, nhưng dự kiến trong tương lai, tỉ lệ số dân từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng gần gấp ba, từ 10,7% dân số trong năm 2016 lên 27,9% vào năm 2050. Kéo theo đó là sự gia tăng số người mắc bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp… có thể dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ chính là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 17 triệu người và chịu trách nhiệm cho 6,7 triệu ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, gây ra gánh nặng lớn cho nền y tế quốc gia.
Đột quỵ ảnh hưởng đến mọi người – bệnh nhân, gia đình và bạn bè, cơ quan làm việc và cộng đồng, nhưng đột quỵ có thể phòng ngừa được. Điều quan trọng là mỗi chúng ta hiểu biết và ý thức được các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: cao huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng kém và lười vận động. TS.BS. Nguyễn Huy Thắng cho biết, bệnh nhân mắc rung nhĩ – một dạng rối loạn nhịp tim phổ biến, có nguy cơ bị đột quỵ cao. Chỉ riêng tại châu Á, với dân số già, dự kiến có 72 triệu bệnh nhân rung nhĩ vào năm 2050, và 2,9 triệu trong số họ sẽ bị đột quỵ liên quan đến rung nhĩ.
TS.BS. Nguyễn Huy Thắng chia sẻ: “Rung nhĩ không được điều trị thì nguy cơ đột quỵ tăng gấp năm lần. Điều đáng lo ngại là rung nhĩ thường không được phát hiện và không được điều trị. Tuy vậy, đáng mừng là đột quỵ do rung nhĩ có thể phòng ngừa được. Các thuốc kháng đông đường uống không phải nhóm kháng vitamin K được xem là bước tiến trong phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ. Các thuốc này có hiệu quả tương tự như thuốc kháng vitamin K, nhưng có những ưu điểm đã được chứng minh như: tỷ lệ xuất huyết nội sọ thấp, liều cố định, ít tương tác thuốc và thức ăn, không cần xét nghiệm máu, không cần theo dõi chỉ số INR (chỉ số theo dõi tình trạng đông máu) và thuận tiện sử dụng cho bệnh nhân”.
Hơn 20 năm nay, cả thế giới chúng ta đã có nhiều loại thuốc, phương pháp giúp cho bệnh nhân phục hồi rất sớm sau đột quỵ. Còn ở Việt Nam, chúng ta đã áp dụng các kỹ thuật này từ 10 năm nay. Theo TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, kỹ thuật đầu tiên là tiêu sơ huyết đường tĩnh mạch. Tức là sử dụng loại thuốc để làm tan cục huyết khối và những chỉ định đối với bệnh nhân mà đến với bệnh viện trong vòng cửa sổ 3 giờ đầu hoặc trễ lắm là 4 giờ rưỡi khi sử dụng loại thuốc này thì có thể giúp cho làm tan cục huyết khối. Khi tan cục huyết khối kịp thời điểm thì bệnh nhân sẽ phục hồi rất nhanh sau đó.
Một biện pháp cũng đã triển khai hơn 5 năm đó là sử dụng các kỹ thuật can thiệp động mạch, tức là đưa các dụng cụ qua các mạch máu, đưa thẳng vào mạch máu não để lấy cục huyết khối ra. Kỹ thuật này giúp chúng ta có thể mở rộng cửa sổ điều trị ra không phải lả 3 giờ mà có thể là 6 giờ, thậm chí là có thể đến 8 giờ.
Bà Lynette Moey, Giám đốc Nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam cho biết: “Tại Bayer, chúng tôi đem đến nhiều giải pháp điều trị tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị trong các lĩnh vực cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… là những bệnh có thể dẫn đến đột quỵ. Chúng tôi cam kết tích cực hợp tác với cơ quan quản lý, cộng đồng y khoa và học thuật để với những tiến bộ này, chúng ta có thể góp phần giải quyết các thách thức của nền y tế Việt Nam. Cùng nhau, chúng ta có thể giúp bệnh nhân được tiếp cận tốt hơn nữa các tiến bộ y khoa, giúp người lớn tuổi kiểm soát tốt bệnh mãn tính, có cuộc sống năng động, khỏe mạnh”.