Gia đình

Không phạt người sinh con thứ 3

 Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Việt Nam thay đổi chính sách dân số, từ sinh đẻ có kế hoạch sang “nới” mức sinh, đồng thời với những thay đổi căn bản về quy mô, phân bố, chất lượng dân số.

Trẻ sơ sinh sinh vào đầu tháng 10-2017 tại Bệnh viên phụ sản Hùng Vương, TP.HCM

Đồng thời dự thảo nghị quyết của Hội nghị trung ương 6 vừa qua cũng hướng đến thay đổi chính sách “hộ khẩu”, bằng cách bãi bỏ dần những rào cản trong tiếp cận dịch vụ công giữa người có hộ khẩu và người di cư, kể cả di cư đến đô thị.

Tại cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức chiều 17-10, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân nói:

“Từ những năm 1960 và đặc biệt từ năm 1993 đến nay định hướng của công tác dân số là mỗi cặp vợ chồng có 1-2 con, nay vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con, duy trì mức sinh thay thế (hiện nay là 2,1 con/bà mẹ tuổi sinh đẻ).

Những vùng có mức sinh cao như Tây Nguyên, Tây Bắc thì vận động để giảm về mức sinh thay thế, vùng có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ (đặc biệt là TP.HCM), ĐBSCL thì vận động để nâng mức sinh lên mức sinh thay thế, nghĩa là có cả 2 chiều là giảm chỗ cần giảm, nâng chỗ cần nâng, trước đây chỉ có một chiều là vận động giảm sinh”.

Rà soát, không phạt người sinh con thứ 3

* Tuổi Trẻ: Để nâng chỗ cần nâng mức sinh những nơi đang có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ, ĐBSCL thì có nới cho những vùng này được sinh con thứ 3 mà không phạt, thưa ông?

TP.HCM mức sinh thấp nhất cả nước

Hiện mức sinh ở khu vực Đông Nam Bộ dưới 1,7 con/bà mẹ, ĐBSCL là 1,8 con, hai vùng này đều có mức sinh dưới mức sinh thay thế.

Đặc biệt là TP.HCM có năm đã xuống đến 1,3 con/bà mẹ, hiện ở mức khoảng 1,45 con/bà mẹ.

Từ nghị quyết trung ương 4 khóa VII năm 1993 đến nay, về mặt luật pháp, Nhà nước không có quy định khống chế số con, nhưng có chính sách vận động mỗi gia đình nên có 1-2 con, ngoại trừ đảng viên thì năm 2008 quyết định 94 của Trung ương Đảng nêu kỷ luật mức cảnh cáo với đảng viên sinh con thứ 3, khai trừ đảng viên sinh con thứ 4.

Năm 2013 có “nới” theo hướng giảm mức phạt: đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, con thứ 4 cảnh cáo và con thứ 5 bị khai trừ. Còn lại không có quy định khống chế số con trong mỗi gia đình nên không có bãi bỏ, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân.

Nếu có rà soát là rà soát các quy định với đảng viên, trước đây có đề nghị là bãi bỏ ngay các quy định xử lý kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3, nhưng sau khi được Hội nghị trung ương vừa qua góp ý thì chúng tôi đã đề nghị từng bước sửa đổi các quy định hiện có, theo hướng không xử phạt đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4 nếu họ có mong muốn ấy.

Ông Nguyễn Văn Tân – phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình

* Tuổi Trẻ: Như ông nói không có quy định xử phạt, nhưng hiện tại nhiều địa phương vẫn có hương ước, thậm chí có quy định yêu cầu người sinh con thứ 3 phải nộp tiền mới được làm giấy khai sinh cho các cháu. Việc bãi bỏ các quy định này như thế nào?

Pháp lệnh dân số không quy định phạt người sinh con thứ 3, thứ 4, nhưng thực tế vẫn còn 7 địa phương có việc “phạt”. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các địa phương để sửa đổi các nội dung không phù hợp với luật pháp. Nhưng tôi xin phép không nêu tên 7 địa phương này.

* VOV: Nếu thay đổi chính sách dân số theo hướng nới mức sinh, theo ông, có xảy ra tình trạng bùng nổ dân số trở lại?

113-115 triệu người

Với định hướng không tiếp tục thực hiện giảm sinh mà thay bằng duy trì mức sinh thay thế vững chắc, đến năm 2030 quy mô dân số VN ở mức 104 triệu người, đến năm 2049 ổn định ở 113-115 triệu người.

Hiện nay VN có 94 triệu dân, trung bình mỗi năm tăng thêm 850.000 – 900.000 người.

Chúng tôi đã khảo sát trên Internet với hơn 700.000 người, 73% trong số này mong muốn có 2 con, 8,3% mong có 1 con, 9,3% mong có 3 con, trên 8% mong có nhiều hơn 3 con. Với tỉ lệ như trên, điều chỉnh một chút về mức sinh thì chưa có vấn đề gì lớn.

Sẽ bãi bỏ quản lý theo hộ khẩu?

* Tuổi Trẻ: Tỉ lệ cư dân sinh sống ở thành thị của Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều so với thế giới, một trong những cản trở là việc quản lý theo hộ khẩu. Thay đổi chính sách dân số bao gồm cả thay đổi quan điểm về phân bố dân cư, liệu có kèm theo thay đổi cách quản lý theo hộ khẩu, thưa ông?

Hiện tỉ lệ cư dân sống ở đô thị Việt Nam là khoảng 34%, so với thế giới là rất thấp. Mục tiêu đến năm 2030 có 45% dân số Việt Nam sống ở đô thị.

Trong những biện pháp để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tôi chưa thấy nói gì về việc bỏ hộ khẩu, nhưng dự thảo nghị quyết Hội nghị trung ương 6 cho phép người di cư, kể cả di cư đến khu vực đô thị, bình đẳng với người sở tại trong tiếp cận các dịch vụ công (về y tế, giáo dục… – PV) mà hiện đang không được bình đẳng do hộ khẩu.

Ngoài ra, có một mục tiêu nữa được đề ra trong dự thảo là đến năm 2030 có 100% dân số được đăng ký trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư toàn quốc, tức là bãi bỏ cách quản lý tạo rào cản giữa người dân sở tại và người di cư.

* Người Lao Động: Vậy bao giờ việc bãi bỏ hộ khẩu theo hướng thực hiện công bằng trong tiếp cận dịch vụ công, thưa ông?

Tôi không biết vì tôi không phải người xây dựng các chính sách ấy. Nhưng tôi mong báo chí hãy nói nhiều về các bất cập liên quan đến hộ khẩu, càng nhiều người nói ra thì các cơ quan thực thi pháp luật càng đẩy nhanh tiến độ cải cách, gỡ bỏ các rào cản.

Trước đây chỉ có Việt Nam, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc thực hiện chính sách hộ khẩu, nhưng nay Trung Quốc đang cải tổ, tiến đến đảm bảo quyền tự do cư trú tại khu vực nào mà họ mong muốn. Một lần tôi đi TP.HCM, tôi cũng gặp một anh lái taxi đã sống 10 năm ở TP này mà chưa có hộ khẩu, tôi hỏi anh ấy có muốn có không thì anh ấy nói có, nhưng phải mất “chi phí” khoảng 7-10 triệu đồng.

Các gia đình trẻ được khuyên sinh đủ 2 con để nuôi dạy con tốt. Trong ảnh: một gia đình trẻ dạo chơi công viên Tao Đàn, TP.HCM

Mức sinh đã tăng do giảm mức kỷ luật với đảng viên?

Theo ông Nguyễn Văn Tân, năm 2011 bình quân mỗi phụ nữ VN trong độ tuổi sinh đẻ có 1,99 con, nay là 2,1 con.

Có hai lý do dẫn đến việc tăng này: việc giảm mức kỷ luật đối với đảng viên năm 2013 và giảm đối tượng được miễn phí phương tiện tránh thai. Trước năm 2010 gần như miễn phí toàn bộ phương tiện tránh thai và kế hoạch hóa gia đình, nay tỉ lệ người được miễn phí còn 56% và số này đang tiếp tục giảm.

Về khu vực đã sinh thêm con sau việc nới lỏng chính sách dân số như trên, theo ông Tân, phần lớn vẫn là khu vực có học vấn cao, mức sống khá hơn ở các tỉnh miền Bắc. Còn miền Nam thì có nới cũng không thấy sinh thêm con.

Theo báo Tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết này