HPV ở nam giới: dễ nhiễm, khó thấy
Mối liên quan giữa HPV và ung thư cổ tử cung khiến không ít người cho rằng, chỉ phụ nữ mới phải coi chừng HPV. Tuy nhiên, thực tế, nam giới cũng cần biết về “kẻ thủ ác” này để cảnh giác, phòng tránh nó.
Điều đầu tiên cần khẳng định: cũng như ở nữ giới, nhiễm HPV ở nam giới làm tăng nguy cơ ung thư cơ quan sinh dục.
Một vài trong số hơn 30 loại HPV liên quan đến ung thư cơ quan sinh dục có thể gây ung thư hậu môn hay ung thư dương vật ở nam giới. Cả hai loại ung thư này đều rất hiếm, đặc biệt là nam giới có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở những người nhiễm HIV, tỷ lệ có các loại ung thư này cũng cao hơn. Theo nhiều báo cáo khoa học hiện nay, nam giới có hoạt động tình dục đồng tính và lưỡng tính có nguy cơ ung thư hậu môn cao gấp 17 lần so với những người đàn ông chỉ có quan hệ tình dục khác giới.
Nam giới cũng cần cảnh giác với những tác hại gây ra bởi virus HPV |
Cũng có các loại virus HPV ít gây ra ung thư ở nam giới. Những sang thương của các loại HPV này thường có dạng như hoa mào gà, có người lại ví von như bông súp-lơ. Dù dùng từ ngữ hoa mỹ như thế nào thì nó cũng đều mô tả một dạng u sùi tăng sinh trên bề mặt da, niêm mạc không thể che giấu trên cơ thể các chàng. Khoảng 1% nam giới có hoạt động tình dục có khả năng tìm thấy “hoa” HPV tại cơ quan sinh dục.Dễ nhiễm nhưng khó phát hiện
Theo một thống kê ở Mỹ, hơn nửa nam giới có hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm bất kì trong đời. Cơ thể nam giới thông thường sẽ biết cách “trừ khử” loại HPV họ mắc phải và không biểu hiện triệu chứng nào. Điều này đồng nghĩa với việc, rất khó phát hiện những người lành mang loại siêu vi này.
Để nhận diện HPV qua những sang thương dạng u sùi mào gà ở nam giới, các bác sĩ cần khám trực quan vùng sinh dục của người bệnh. Sùi mào gà thường không đau và “thích” mọc ở vùng quy đầu, bao quy đầu, gốc dương vật, da bìu. Đôi khi những sang thương nhỏ, không phải lúc nào cũng nhô hẳn lên trên bề mặt nên rất chú ý mới có thể phát hiện.
Không có xét nghiệm thường quy dành cho nam giới để tìm ra loại HPV có nguy cơ cao gây ung thư. Một số tác giả đề nghị nên thực hiện xét nghiệm PAP (phết tế bào) hậu môn ở nam giới đồng tính và lưỡng tính, vốn là nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây ung thư hậu môn do HPV. Xét nghiệm PAP không gây đau đớn. Bác sĩ sẽ lấy các tế bào từ hậu môn, sau đó đưa mẫu này đến phòng xét nghiệm để phát hiện những bất thường.
Điều trị HPV như thế nào?
Hiện nay, điều trị HPV chủ yếu tập trung giải quyết hậu quả, thường là các sùi mào gà. Nhiều giải pháp có thể giúp giải quyết những vị khách “hoa hòe” không mời mà đến như: chấm các dung dịch ngoài da, đốt điện, laser… hoặc can thiệp phẫu thuật với các mào gà khổng lồ.
Những “hoa mào gà” do HPV gây ra không phải lúc nào cũng “nở rộ” vào cùng một thời gian. Vì vậy, một số người bệnh sẽ phát hiện u sùi sau thời gian điều trị. Hãy chú ý quan sát kỹ càng trên cơ thể trong thời kỳ hậu điều trị để phát hiện và can thiệp kịp thời.
Cần nâng cao ý thức phòng ngừa
Vai trò của vaccine trong phòng ngừa HPV hiện nay vẫn còn chưa rõ rệt và hiện chưa áp dụng cho nam giới tại Việt Nam (ở nước ta, mới chỉ có phụ nữ và trẻ em tiêm phòng vaccine này). Những mũi tiêm chủng chỉ giúp nam giới tránh được HPV tuýp 6 và HPV tuýp 11 (hai tuýp chủ yếu gây sùi sinh dục). Do đó, cánh mày râu tốt nhất nên phòng ngừa bằng việc nâng cao ý thức trong chuyện yêu đương.
Hạn chế quan hệ tình dục là một phương cách để giảm lây truyền HPV. Tuy nhiên, khi đến thời điểm nào đó trong đời cần “có đôi có cặp”, tình dục an toàn sẽ giúp bảo vệ cho cả chàng và nàng. Nguy cơ lây truyền có thể được giảm thiểu nếu luôn tôn trọng việc chung thủy một vợ – một chồng.
Với những anh chàng “hoàn cảnh”, một cách giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV là hạn chế số lượng bạn tình. Vì vậy, tốt nhất, nên gắn bó với một người chưa “từng trải” trước đây.
Trong một nghiên cứu trên những phụ nữ mới bắt đầu quan hệ tình dục, những người có bạn tình sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục có khả năng nhiễm HPV thấp hơn 70% so với những người thường xuyên “tay không đánh giặc”. Bao cao su có thể giúp bảo vệ các chàng an toàn trước virus HPV. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của những “chiếc áo giáp” này không thể đạt 100%. Các chàng hãy cảnh giác bởi vì HPV lây truyền do tiếp xúc trực tiếp da, niêm mạc, thâm nhập qua những vết xước nhỏ nhất chứ không qua dịch tiết âm đạo, dương vật, nơi có chiếc bao cao su che chắn.
Nguồn: TC Sức Khỏe