Trang chủ

Gia nhập AEC: 5 thách thức Việt Nam phải đối mặt

Việc gia nhập AEC hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường mở và nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, để những hứa hẹn đó thành sự thật, Việt Nam phải vượt qua được 5 thách thức.

 

Cơ hội được mở ra

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được các nước ASEAN công bố thành lập cuối năm 2015 với mục tiêu tạo ra một khu vực kinh tế thịnh vượng, ổn định và có tính cạnh tranh cao. Đây sẽ là thị trường có quy mô dân số lớn thứ 3 trên thế giới với hơn 600 triệu người, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

AEC cũng là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với quy mô GDP gần 3 nghìn tỷ USD. AEC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại nội khối với việc hình thành thị trường chung, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có kỹ năng sẽ được dịch chuyển tự do hơn, giống như trong thị trường nội địa, đồng thời dòng vốn trong khu vực cũng được dịch chuyển tự do hơn. Với việc hình thành thị trường chung như vậy, AEC cũng hướng tới tạo lập một cơ sở sản xuất thống nhất khu vực ASEAN để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hơn xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội sau 30 năm đổi mới với sự cải cách toàn diện nền kinh tế và chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố như vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động giá rẻ. Giữa Việt Nam và các nước ASEAN còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh. Để hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, đóng góp chung vào xây dựng AEC, có tính cạnh tranh cao, Việt Nam và các nước ASEAN cần có những chính sách phù hợp để thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn.

5 thách thức

Một là, sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển với các nước thành viên AEC

Trước khi hình thành thị trường chung, các nước EU đã có trình độ phát triển tương đối cao về kinh tếnên hội nhập khu vực đã ngay lập tức mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các nước thành viên [Stefano I., Edmund W. 2015. pp39]. Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN rất đa dạng về mô hình nhà nước, chính trị, văn hoá vàcó sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển.

Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước phát triển hơn trong khu vực là khá lớn. Tính theo GDP bình quân đầu người, Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar, và thấp hơn nhiều so với Singapore [Võ Trí Thành 2015a].

Chỉ số phát triển con người (HDI) cũng có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước ASEAN.Theo bảng xếp hạng của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc năm 2013, Việt Nam xếp hạng 121, cao hơn Lào (139), Campuchia (136), Myanma (150) nhưng thấp hơn nhiều so với Singapore (9), Brunei (30) và Malaysia (62) [UNDP 2014].

Sự chênh lệch về trình độ phát triển được coi là yếu tố chính cản trở sự hình thành thị trường chung ASEAN.Việt Nam cũng như các nước thành viên AEC sẽ phải xây dựng những chính sách khác nhau để cân bằng giữa cam kết xây dựng cộng đồng kinh tế chung và giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội trong nước [Võ Trí Thành 2015a].

Hai là, năng lực cạnh tranhthấp cả trên phương diện quốc gia và doanh nghiệp

– Năng lực cạnh tranh quốc gia

Năng lực cạnh tranh của các nước ASEAN không đồng đều.Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố [WEF 2015], Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu,trong khi nhóm 3 nước Lào, Campuchia, Myanma có thứ hạng năng lực cạnh tranh thấp, lần lượt đứng thứ 83, 90 và 131.

Việt Nam đã có sự tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh, là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất, xếp thứ 56 trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016. Tuy nhiên, những tiến bộ đó vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nhiều quốc gia khác, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn thấp, chỉ đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37) và Philippines (47). Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ [Chính phủ 2015].

– Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm cuối năm 2013 là 373.213 doanh nghiệp, tăng 3,3 lần so với năm 2005. Tuy nhiên, 96,4% số doanh nghiệp này là doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa. Xét về lao động, 98,77% doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô nhỏ, ít hơn 200 lao động; 68% có quy mô siêu nhỏ, ít hơn 10 lao động. Xét về quy mô vốn, có tới 73,86% doanh nghiệp ngoài nhà nước là doanh nghiệp nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

DNNVV chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, ít quan tâm đến thị trường nước ngoài do thiếu năng lực tài chính, kỹ thuật, thông tin thị trường, mạng lưới sản xuất,… (Mahani Z., Loh G. Nor I. 2012).Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu thực hiện các công đoạn sơ chế, gia công thuộc vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.Do quy mô nhỏ nên hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đầu tư nhiều cho đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

So với DNNVV, các hãng sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ lớn có thường sự hào hứng hơn về việc thành lập AEC vì đã đầu tư hoặc đã có kế hoạch đầu tư tại các nước ASEAN(Mahani Z., Loh G. Nor I. 2012). Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, kể cả doanh nghiệp tư nhân chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Phần lớn trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là các tập đoàn kinh tế nhà nước và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài [VNR500 2015]. Các tập đoàn kinh tế của nhà nước hoạt động trong những ngành có độ mở cửa thấp hoặc được bảo hộ, trong khi các doanh nghiệp có vốn nước ngoài quy mô lớn chủ yếu là các doanh nghiệp lắp ráp.

Như vậy, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp còn thấp, thiếu những doanh nghiệp trong nước có thương hiệu mạnh và có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Ba là, chất lượng, năng suất lao động thấp

Chất lượng lao động Việt Nam thấp so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Hiện nay, chỉ có 20% lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo [Chính phủ 2015]. Trình độ ngoại ngữ của lao động trình độ đại học và lao động có tay nghề ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Lao động Việt Nam làm việc tại các nước trong khu vực hầu hết thuộc nhóm lao động phổ thông, trình độ tay nghề hạn chế, hưởng lương thấp hơn so với người lao động làm cùng ngành nghề của một số quốc gia trong khu vực.

Năng suất lao động Việt Nam dù liên tục tăng trong thời gian quanhưng còn thấp, ở mức trung bình của khối ASEAN, cao hơn Lào, Campuchia, Myanma; tiệm cận các nước Indonexia và Philipines; chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia và bằng 1/3 của Thái Lan [GSO 2014].Chất lượng lao động, năng suất lao động thấp càng trở nên bức xúc khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Bốn là, thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế chưa được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân

Quá trình đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế thường được thực hiện theo cách từ trên xuống. Những nội dung chi tiết trong đàm phán các hiệp định thương mại, bao gồm cả thành lập AEC hầu như không được phổ biến kịp thời đến công chúng [Võ Trí Thành 2015a]. Một trong những lý do là thiếu những quy định về chia sẻ thông tin mật và nội dung các điều khoản kỹ thuật trong quá trình đàm phán. Do đó, các thành phần liên quan đã không có cơ hội tham gia ý kiến về các nội dung trong quá trình đàm phán và thành lập AEC. Họ cũng không được cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin để hoạch định và chuẩn bị trước khi thực hiện những nội dung đó.

Năm là, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô

Đối với những nền kinh tế nhỏ, tiếp nhận những dòng vốn lớn vượt quá khả năng hấp thụ có thể dẫn tới những bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, bong bóng bất động sản, sức ép lên hệ thống tài chính ngân hàng, rủi ro đạo đức, tấn công đầu cơ,… [Sergio L. 2003]. Trên thực tế, Việt Nam đã từng quản lý không hiệu quả dòng vốn vào sau khi gia nhập WTO năm 2007, dẫn đến tình trạng lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô [Võ Trí Thành 2012].

Gia nhập AEC cuối năm 2015 cùng với việc thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút mạnhhơn dòng vốn quốc tế. Nếu không có sự quản trị tốt, Việt Nam có thể lại phải đối mặt với những bất ổn kinh tế vĩ mô.

Một số đề xuất chính sách

Việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế không gian của một thị trường mở và nâng cao tính cạnh tranh trên nền tảng một cơ sở sản xuất thống nhất. Tuy nhiên, để những hứa hẹn đó thành sự thật, đòi hỏi mỗi nước thành viên phải xử lý được những thách thức đối với từng nước, thực hiện những chính sách để thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với Việt Namcần quan tâm thực hiện những chính sách, giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, bắt kịp trình độ của các nước phát triển hơn trong khu vực

Đối với khu vực nhà nước:

– Cân đối giữa đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế với việc giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội nội tại của đất nước; hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

– Tăng cường khả năng kết nối với thị trường các nước trong khu vực cả về thể chế kinh tế và kết cấu hạ tầng.Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là những lĩnh vực ảnh hưởng nhiều đến chi phí, thời gian của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng.

– Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng dần tỷ trọng đóng góp của công nghệ, vốn con người vào tăng trưởng. Hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu quả của công tác quy hoạch. Rà soát các sản phẩm chủ yếu, nghiên cứu những tiềm năng, lợi thế của đất nước để có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp. Tập trung nguồn lực cho những ngành công nghiệp gần với những thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dệt may và da giày,… Việc phát triển những sản phẩm này còn góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng vì chúng mang lại lợi ích cho phần lớn người dân Việt Nam.

– Đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, trong đó chú trọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập. Nghiên cứu, ban hànhLuật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏvà có giải pháp để giúp đỡ doanh nghiệp khắc phục những điểm yếu chung về vốn, thông tin, kỹ thuật, hỗ trợ khởi nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

– Khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường năng lực khoa học công nghệ nội sinh. Tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

– Tăng cường năng lực dự báo kinh tế vĩ mô, quản lý rủi ro thị trường tài chính, quản lý các dòng vốn để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

– Thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội phù hợp để hỗ trợ những nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập kinh tế.

Đối với khu vực doanh nghiệp:

Chính phủ các nước ASEAN chỉ có thể mở cánh cửa thị trường, xoá bỏ các rào cản thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng cho hội nhập kinh tế khu vực. Nhưng nếu không có sự tham gia của người chơi chủ yếu là khu vực doanh nghiệp thì hội nhập kinh tế khu vực không có ý nghĩa.

– Các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về hội nhập, nghiên cứu cơ sở pháp lí và cơ chế giải quyết tranh chấp, thực thi nhằm đảm bảo hợp đồng kinh doanh và quyền lợi của doanh nghiệp.

– Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, uy tín thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá mẫu mã và đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chi phí thấp, kịp thời, tin cậy.

– Chủ động tăng cường năng lực nghiên cứu thị trường và hướng nhiều hơn đến khu vực ASEAN,lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp, nắm bắt nhanh nhẹn các cơ hội để đáp ứng nhu cầu thị trường.

– Tư tưởng quan trọng của việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN không phải là gia tăng sự cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên, mà là gia tăng sự phối hợp để cùng phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất, phát huy lợi thế của một khu vực sản xuất thống nhất.Quan tâm đến hợp tác, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và với doanh nghiệp hàng đầu của nước ngoài (nhất là các doanh nghiệp đầu chuỗi giá trị).

Thứ hai, tăng cường thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội tích cực hơn trong việc hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan như cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan nghiên cứu,… trong xây dựng và thực thi chính sách hội nhập kinh tế quốc tế để tạo sự đồng thuận, mang lại lợi ích nhiều hơn cho tất cả mọi người.

Tăng cường phổ biến thông tin cho doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là những thông tin về quy tắc nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hoá…Các đại diện thương mại, kinh tế, đầu tư của Việt Nam tại các nước cần đẩy mạnh hoạt động, tăng cường cung cấp thông tin về thị hiếu thị trường, mạng lưới sản xuất, các cơ hội đẩy mạnh đầu tư, trao đổi thương mại với các nước./.

 

Tham khảo từ:

1. Government of Vietnam (2015). ‘Báo cáo số 486/CP-KTTH báo cáo Quốc hội dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015’, Hanoi, 10th Oct 2015

2. GSO (2015). Vietnam Statistics Year Book 2014, General Statistics Office, Hanoi, Oct 2015

3. UNDP (2014). ‘Human Development Report 2014: Sustaining Human Progress: Reducing Vunerabilities and Building Resilience’. United Nations Development Program

4. Mahani Z, Loh G, Nor I (2012). ‘Achieving the AEC 2015: Challenges for the Malaysian Private Sector’. In Achieving the ASEAN Economic Community 2015: Challenges for Member Countries and Businesses, ISEAS Publishing 2012, Singapore

5. Vo Tri Thanh (2015a). ‘Managing domestic consensus for ASEAN Community Building in Vietnam’, Journal of Southeast Asian Economies Vol. 32, No. 2 (2015), pp. 275-88, Singapore.

6. Vo Tri Thanh (2015b). ‘Chiến lược kinh doanh trong thời kì hội nhập kinh tế khu vực’, Presentation at Da Nang 18th – 19th May 2015.

7. Sergio L. (2003). ‘Financial Globalization: Gain and Pain for Developing Countries,’ Development Research Group, World Bank 2003

8. Stefano I., Edmund W. (2015). ‘The Foundation of the ASEAN Economic Community: an institutional and legal profile.’ Cambridge University Press

Theo kinhtevadubao.vn

 

Chia sẻ bài viết này