Điện thoại bẩn gấp 10 lần bồn cầu là do người sử dụng không biết những việc này
Không lau chùi thường xuyên và mang đi khắp nơi chính là nguyên nhân khiến những chiếc điện thoại trở thành ngôi nhà lí tưởng cho hàng loạt loại vi khuẩn sinh sống
Điện thoại bẩn gấp 10 lần bồn cầu
Hiện đại, thông minh, tiện dụng và gây “nghiện” như vậy nhưng rất ít người dùng biết rằng điện thoại di động (ĐTDĐ) là một trong những vật dụng… bẩn nhất mà chúng ta đang sở hữu.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra điện thoại di động là ổ vi khuẩn tiềm ẩn lớn nhất với lượng vi khuẩn nhiều gấp 10 lần so với bồn vệ sinh. Vi khuẩn trên bề mặt ĐTDĐ có đến 25.000 vi khuẩn/2.54cm2, còn lượng vị khuẩn trên bồn vệ sinh toilet chỉ có 1.201 vi khuẩn/2.54cm2. (Theo báo cáo của Mashables- kênh thông tin NewYork dựa trên nghiên cứu của viện sử học vi sinh lâm sàng & kháng sinh tại Anh – Annals of Clinical Microbiology and Antimicrobials).
Hầu hết mọi người dùng điện thoại di động ở mọi nơi, từ buổi sáng thức dậy, trong bữa ăn đến tận văn phòng làm việc. Nhưng càng chạm vào màn hình nhiều bạn càng tích tụ nhiều vi khuẩn vào cơ thể.
Trong thực tế, bàn tay là thủ phạm lớn nhất đem lại lớp bụi bẩn trên điện thoại của bạn. Theo một cuộc khảo sát của Deloitte, người Mỹ kiểm tra điện thoại của họ khoảng 47 lần trong ngày, tạo ra rất nhiều cơ hội để các vi khuẩn chuyển từ ngón tay của bạn đến điện thoại.
Emily Martin, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Michigan cho biết: “Vì mọi người luôn mang theo điện thoại di động đến cả phòng tắm, nhà vệ sinh khiến cho chiếc điện thoại càng có xu hướng trở nên bẩn hơn”. Các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona đã phát hiện 17.000 bản gen vi khuẩn trên điện thoại của học sinh trung học.
Da của con người được cấu tạo ngăn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể vậy nên vi khuẩn được di chuyển sang điện thoại của bạn mỗi khi bạn sử dụng điện thoại, gọi điện hoặc nhắn tin.
Susan Whittier, giám đốc về vi sinh học lâm sàng tại New York-Presbyterian và Trung tâm Y tế Đại học Columbia cho biết: “Chúng ta sống trong môi trường công nghiệp với khói bụi xả ra hàng ngày, vì vậy nếu bạn chạm vào bất kì bề mặt nào thì đồng nghĩa mang theo bụi bẩn, vi khuẩn đó theo”. Virus cũng có thể lan truyền trên điện thoại từ một người bị bệnh cảm cúm sang cho người thân, bạn bè nếu họ sử dụng chiếc điện thoại đó.
Giải pháp an toàn cho bạn
– Trước những mối nguy hiểm khôn lường từ chiếc điện thoại, để phòng tránh chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải vệ sinh thường xuyên đôi bàn tay của mình bằng nhiều sản phẩm diệt khuẩn có bán trên thị trường.
– Không mang điện thoại vào trong nhà vệ sinh hay khi nấu nướng, lau dọn nhà cửa.
– Không nên dùng ốp lưng quá dày và chú ý dùng tăm bông lau chùi các khe nhỏ.
– Không nên cho trẻ em dùng điện thoại để bảo vệ sức khỏe cho bé. Bởi sức đề kháng của trẻ kém rất dễ lây nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa do các loại vi khuẩn đường ruột gây lên.
– Thường xuyên lau điện thoại bằng một miếng vải sợi mềm, sẽ loại bỏ được nhiều vi khuẩn.
– Để làm sạch hơn nữa, bạn có thể dùng hỗn hợp 60% nước và 40% cồn. Trộn các thành phần với nhau, và sau đó nhúng một miếng vải vào dung dịch trước khi lau nhẹ nó qua điện thoại của bạn. Làm cách này một vài lần mỗi tháng sẽ khiến chiếc điện thoại an toàn hơn nhiều. Tuy nhiên không được dùng chất lỏng hoặc chất tẩy rửa phun trực tiếp lên, vì có thể làm hỏng điện thoại của bạn.
– Bạn cũng có thể sấy mát điện thoại thường xuyên để đánh bật bụi bẩn bám vào trong quá trình sử dụng.
Trung bình mọi người thường kiểm tra điện thoại khoảng 46 lần/ngày. Vì thế, để bảo vệ bản thân khỏi những tác động xấu và cả những vi khuẩn trên điện thoại, bạn nên tham khảo thực hiện những chỉ dẫn trên nhé.
Mai Thi