Chữa trầm cảm bằng nghệ thuật và thiền định
Trong tiếng nhạc, một nhóm người đang nhún nhảy với nhiều kiểu khác nhau: lắc hông, lắc tóc, vươn vai, có người còn lò cò.
Thiền định kết hợp với nhảy múa có thể giảm stress, cân bằng cuộc sống và trị liệu trầm cảm. Ảnh: Wallpapers 13
Lớp yoga thiền định diễn ra cuối tuần qua ở TP HCM, hàng chục người tham gia khiêu vũ, ngồi thiền, tập yoga. Họ nhảy không chuyên nghiệp, không đồng đều nhưng đều tự tin và luôn nở nụ cười. Nổi bật là cô gái với nước da ngăm đen và chiếc quần thụng. Cô là một tình nguyện viên có nhiệm vụ truyền cảm hứng và lây lan niềm vui cho những người xung quanh.
Cô gái ấy là Mai Linh, 24 tuổi. Ít ai biết được rằng Linh đã trải qua những năm dài vật vã với căn bệnh trầm cảm. Cô phát bệnh sau khi biết tin bố mẹ ly thân, em trai nghiện ma túy, những biến cố gia đình xảy ra chỉ trong một tháng ngắn ngủi. Một thời gian dài Linh sống trong đau buồn, lánh xa mọi người, cho đến khi quyết định phải thay đổi bản thân.
Linh bày tỏ, cô đã thực sự đã chữa lành căn bệnh trầm cảm của mình nhờ thiền và nghệ thuật. “Tôi gọi buồn và vui là hai hạt giống. Khi thiền, tôi cân bằng được hai hạt giống đó. Và chỉ khi kết hợp với nhảy múa, tôi mới gieo trồng được hạt giống niềm vui”, Linh chia sẻ.
Thiền sư người Ấn Độ Ojas Oneness trực tiếp hướng dẫn các học viên. Ông cho biết phương pháp giúp Linh thoát khỏi trầm cảm được gọi là “chuyển hóa nghệ thuật” (Transforming Arts). Trong đó, người tham gia được biểu đạt cảm xúc thông qua quá trình sáng tạo nghệ thuật: Nhảy múa tự do, sáng tác bài hát, nấu ăn, vẽ kết hợp với yoga và thiền định.
Những động tác múa, lời bài hát hay bức tranh bạn sáng tạo nên đều không quan trọng đúng sai, song thể hiện được tình trạng tâm lý để người trị liệu nắm bắt dễ dàng hơn. “Bạn sẽ được khai phá bản thân ở những khía cạnh khác nhau, tôi có thể đi sâu để quan sát, thấu hiểu và đồng hành với bạn giải quyết các vấn đề cảm xúc tiêu cực”, thiền sư Ojas chia sẻ.
Người tham gia trị liệu sẽ học cách ngồi thiền và chuẩn bị tâm lý cân bằng để tiếp tục cho những buổi trị liệu sau. Tiếp theo, họ thoải mái nhảy múa, ca hát, sáng tác và nghe thiền sư chia sẻ. Mọi người, đặc biệt là những người mắc chứng trầm cảm, người bận rộn thường gặp áp lực trong cuộc sống, muốn được giải tỏa tâm lý và cân bằng lại cuộc sống, thiền sư Ojas cho rằng tập theo phương pháp này sẽ rất phù hợp. Mục tiêu là khuyến khích mọi người trở nên hoàn thiện, các mối quan hệ tốt đẹp hơn và biết cách chấp nhận nỗi buồn như một điều thiết yếu của cuộc sống.
Chị Thu Thủy, một người đã tham gia trị liệu, chia sẻ, từ người không hiểu gì về nghệ thuật thì giờ đây chị có thể nhảy múa và sáng tác bài hát. Có thể còn vụng về nhưng chị tìm thấy niềm vui và biết cách tận hưởng chúng.
“Ngoài tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, tôi còn tập luyện tâm trí khỏe mạnh, kết nối bản thân và mọi người sâu sắc hơn. Sự khác biệt đầu tiên mà người thân nhận ra là giọng nói tôi trở nên mạnh mẽ và hân hoan khiến bản thân tôi cũng bất ngờ”, chị Thủy nói.