Cho con đi học thông minh cảm xúc
“Cảm xúc là bản năng của con người, sao lại phải đi học?”. Đây là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra cách đây bốn năm, khi trường ngoại khóa chuyên sâu Tomato lần đầu tiên đưa chương trình giáo dục cảm xúc từ Mỹ về Việt Nam. Nhưng đến nay, mỗi buổi hội thảo liên quan đến trí thông minh cảm xúc do trường tổ chức thường thu hút hàng trăm phụ huynh tham gia. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa chương trình giáo dục cảm xúc về Việt Nam cũng là người sáng lập trường Tomato, về chương trình này. Chị Uyên Phương cho biết:
Giáo dục cảm xúc (Social and Emotional Learning, gọi tắt là SEL) là khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân, hiểu những gì người khác nói với mình, và hiểu được cảm xúc của mình ảnh hưởng đến người xung quanh như thế nào. Chương trình này được xây dựng trên giáo trình gốc về Phát triển cảm xúc xã hội (Social Emotional Development – SED) của Trường Đại học Oregon, Hoa Kỳ. Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường thành công trong cuộc sống vì họ làm người xung quanh cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với họ. Và khi họ gặp khó khăn, họ sẽ dễ dàng nhận được sự cảm thông và giúp đỡ của những người xung quanh hơn.
Theo chị, vì sao ngày càng nhiều bậc cha mẹ nhận ra việc giáo dục cảm xúc là nội dung quan trọng đối với trẻ em?
Vì cha mẹ chợt nhận ra sự chông chênh, mất phương hướng của chính mình trong cuộc sống và công việc. Dễ nhận thấy rằng giới trẻ hiện nay rất dễ suy sụp, gục ngã khi gặp những khó khăn, thử thách. Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều người rơi vào trầm cảm khi làm ăn thất bại, ly hôn hoặc thất nghiệp kéo dài. Thậm chí, một số người trẻ dễ dàng tìm đến cái chết với một lý do không đáng như thất tình, thi rớt đại học hoặc không đạt được sự kỳ vọng của ba mẹ. Nguyên nhân có thể đến từ nhiều phía, nhưng quan trọng nhất là các em không được cha mẹ, thầy cô hướng dẫn về cách biểu lộ cảm xúc và vượt qua cảm xúc tiêu cực một cách đúng đắn. Chính vì vậy, khi gặp khó khăn, các em không biết cách xử lý cảm xúc của mình thế nào để có kết quả tích cực nhất.
Ở tuổi nào thì bé nên học chương trình giáo dục cảm xúc?
Càng sớm càng tốt. Chúng ta thường nghĩ trẻ hai, ba tuổi rất vô tư, chưa hình thành cảm xúc nhưng thực tế, con gái tôi từ lúc hơn hai tuổi đã có những cách biểu lộ cảm xúc đa dạng, phức tạp. Thậm chí, khi thấy tôi bắt đầu nổi nóng, bé biết cách giúp mẹ lấy lại bình tĩnh bằng cách nhắc nhở: “Mẹ hãy hít thở và đếm một, hai, ba… đi”…
Nếu có sự quan tâm sâu sắc, chúng ta sẽ thấy rằng thế giới cảm xúc của trẻ em rất sống động và nhiều sắc màu. Những biểu hiện cảm xúc đơn giản hay phức tạp là tùy theo sự phát triển của từng bé, nhưng đều có tác động sâu sắc và lâu dài đến việc hình thành tính cách của bé trong giai đoạn về sau. Chính vì vậy, ở các nước phát triển, chương trình giáo dục cảm xúc được lồng ghép trong chương trình học từ mẫu giáo lên cấp 3. Còn ở Việt Nam, đa phần cha mẹ chỉ mới quan tâm đến sức khỏe thể chất và kết quả học tập hơn là quan tâm đến cảm xúc của con. Trong khi giai đoạn đầu đời, việc hướng dẫn bé biết cách làm chủ cảm xúc, uốn nắn những hành vi không phù hợp của bản thân và trong giao tiếp với những người xung quanh là vô cùng quan trọng, từ đó tránh cho bé hình thành những thói quen xấu có tác động tiêu cực đến tính cách của bé là rất cần thiết.
Vậy học về cảm xúc có giúp con cái chúng ta ngoan hơn không?
Với lối giáo dục kiểu châu Á truyền thống, chúng ta luôn mong muốn con mình ngoan ngoãn, vâng lời. Con ngoan là người lớn nói gì con cũng phải vâng lời, không tranh luận, không phản biện, thậm chí khi bị mắng oan, phạt oan con cũng không được quyền lên tiếng hoặc bày tỏ sự phản kháng. Những cảm xúc tiêu cực ở trẻ như buồn, giận, nếu cứ dồn nén trong lòng không được chia sẻ được với ai, lâu ngày bùng nổ ra thành hành vi “nổi loạn” ở tuổi thành niên hoặc các bạn trẻ sẽ tiếp tục sống chông chênh, mất phương hướng, luôn do dự và mất tự tin khi ra quyết định.
Thực ra, tất cả chúng ta đều cần giải tỏa cảm xúc của mình, người lớn có vui buồn tức giận chán nản thì trẻ em cũng có quyền như thế. Người lớn dành thời gian tán gẫu, tập thể dục, đọc sách hay viết lách để khuây khỏa còn trẻ em không có nhiều lựa chọn. Mặt khác trẻ nhỏ luôn phải “ngoan” nên thường bị giới hạn trong cách thức thể hiện cảm xúc, đặc biệt với những cảm xúc phức tạp vì trẻ chưa thể diễn đạt bằng lời.
Như vậy, chương trình giáo dục cảm xúc nhắc nhở các bậc cha mẹ cần nên khuyến khích con bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình, để giúp con luôn có cuộc sống tinh thần lành mạnh?
Đúng vậy. Khi cảm xúc tiêu cực được giải tỏa, những tâm tình được lắng nghe, có thể chưa có giải pháp cho vấn đề gặp phải, người ta vẫn thấy tâm trạng mình nhẹ nhàng hơn, và những cách giải quyết vấn đề có thể đến dễ dàng hơn, giúp người ta thành công hơn trong cuộc sống. Những đứa trẻ biết cách làm chủ và bộc lộ cảm xúc một cách phù hợp, đúng mực hoặc biết điều tiết những thái cực cảm xúc của bản thân để trở nên tự tin, tự chủ hơn. Bé biết phân biệt như thế nào là hành vi tốt và hành vi xấu, biết sửa chữa những cách cư xử không hay và hướng tới những cách cư xử đẹp. Bé biết quan tâm hơn đến cảm xúc của những người xung quanh, biết yêu thương và có trách nhiệm hơn trong giao tiếp với mọi người. Bé có được kỹ năng giải quyết vấn đề căn bản trong những tình huống thường gặp ở lứa tuổi của mình. Bé hình thành những thói quen tốt, những nét tính cách và giá trị sống tốt đẹp, là nền tảng để thành công hơn trong việc học tập cũng như trong cuộc sống sau này.
Cảm ơn chị về những thông tin trên.
Tường Lam