Áp lực giúp cải thiện cuộc sống hôn nhân
Áp lực là điều không ai muốn xảy ra trong hôn nhân. Tuy vậy, một số áp lực có thể giúp hai vợ chồng gần gũi nhau hơn, cũng là dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của bạn đang thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Các chuyên gia tâm lý đã chia sẻ nhiều cách khác nhau giúp bạn tận dụng những áp lực này có hiệu quả nhất.
Đầu tiên là áp lực mâu thuẫn. Nếu lần cuối cùng, vợ chồng cùng tranh luận về một vấn đề nào đó, và một trong hai người tức giận bỏ đi, điều này là tốt. Theo chuyên gia liệu pháp hôn nhân – gia đình người Mỹ, Carin Goldstein: “Mâu thuẫn không có nghĩa là xấu. Hãy biết thế nào là tranh luận đúng và để bạn đời hiểu được những cảm xúc của bạn, vì nếu cứ sống trong tâm trạng ấm ức, day dứt, mới là tai hại. Nhờ áp lực mâu thuẫn mà vợ chồng biết kiên nhẫn và có thêm nhiều cuộc nói chuyện có ý nghĩa hơn khi áp lực tăng cao”.
Trong nuôi dạy con cái, vợ chồng cần có chung quan điểm. Nhưng trong lúc giáo huấn con cái, người này có ý kiến trái ngược với người kia thì sự thử thách sẽ được chia sẻ. Nhà tâm lý học người Mỹ, Andra Brosh, góp ý: “Việc vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống vợ chồng, như chăm sóc, nuôi dạy con cái, có xu hướng giúp vợ chồng gần gũi với nhau hơn. Vợ chồng cùng làm việc như một đội trong lúc căng thẳng càng thúc đẩy sự gắn kết vợ chồng”.
Áp lực xã hội cũng là một khía cạnh khác. Bạn là người có mối quan hệ xã hội rộng, còn bạn đời lại thích sống khép kín, dĩ nhiên cô/anh ấy sẽ không hài lòng khi bạn ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Trong thực tế, một người hướng ngoại và một người hướng nội là một điển hình phổ biến cho sức hút của sự đối lập. Tuy vậy, lực hút này có thể bị đẩy lùi ở một số điểm nào đó. Vậy nên, hãy tìm sự cân bằng với một kế hoạch phù hợp với hai vợ chồng. Thường thì những người hướng ngoại rất khó kiềm chế bản thân, vì thế cách tốt nhất là để người hướng nội “làm thủ lĩnh” nhằm dung hòa tính cách của cả hai.
Trường hợp có áp lực giao tiếp, hãy biến áp lực vì những điều bạn không muốn nói với bạn đời thành một trải nghiệm, thay vì gây hấn với cô/anh ấy. Nhiều người nghĩ rằng, cần bàn bạc tất cả mọi chuyện với bạn đời, trong khi các cặp vợ chồng khác lại không đồng ý cách này. Thực tế là việc bàn bạc, thảo luận các vấn đề đem lại cho bạn nhiều cơ hội để hiểu rõ hơn về mối quan hệ hiện tại. Nếu đang có những vấn đề chất chứa trong lòng đã lâu, cần nói chuyện thẳng thắn với nhau.
Nói ra những lời phàn nàn, trách cứ về gia đình của bạn đời có thể tạo ra một số áp lực gia đình, nhất là khi cô/anh ấy luôn muốn bảo vệ cho họ. Tuy vậy, đây mới là cơ hội để ở bên bạn đời như một gia đình, miễn là hai người luôn cùng một đội, bởi vì những áp lực ấy sẽ giúp vợ chồng càng gắn bó với nhau hơn.
Thông thường, các cặp vợ chồng gặp khó khăn khi nói về tài chính hơn là tình dục. Khi một người thích tiêu xài thoải mái, còn người kia chi tiêu tiết kiệm, thì áp lực tài chính sẽ tạo sự cân bằng giữa tận hưởng cuộc sống và giải pháp “tích cốc phòng cơ”. Điều cần làm là cùng bạn đời xem lại ngân sách gia đình để có kế hoạch chi tiêu trong tháng hay năm. Một khi phối hợp hài hòa, vợ chồng sẽ cảm thấy đã hoàn thành nhiệm vụ và gắn kết với nhau hơn.
Theo Rd