Pây Tái: Tết Rằm tháng Bảy sum vầy của người Tày ở Cao Bằng
Sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, sau này thoát ly, mỗi khi đến Rằm tháng Bảy, tôi lại nhớ nhà da diết. Tôi cũng không biết từ bao giờ, người Tày ở Cao Bằng lại có một cái Tết rất đặc biệt như vậy, Tết Tết Rằm tháng Bảy (tiếng Tày gọi là Kin Chất), cái Tết to thứ hai, chỉ sau Tết Nguyên đán.
Năm nào cũng vậy, bắt đầu sang tháng Bảy là không khí chuẩn bị cho ngày rằm đã nhộn nhịp lắm, ai cũng muốn gia đình mình có một cái tết sum vầy, đoàn viên, báo hiếu cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên thật đầy đủ, trang trọng và linh thiêng gọi là “Pây Tái”.
“Pây Tái”- tức là về thăm nhà bố, mẹ vợ (nhà ngoại). Theo tục lệ những gia đình có con gái đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan gánh vác công việc ở nhà chồng cũng như việc thờ phụng tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày rằm tháng bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con về nhà thăm bố, mẹ đẻ để được tự tay được chăm sóc cha, mẹ mình và lễ tạ tổ tiên. Qua đó thể hiện tấm lòng hiếu thảo của các con, cháu.
Đây cũng là dịp để người con rể thể hiện tấm lòng biết ơn của mình với cha, mẹ vợ đã khó nhọc sinh thành nuôi dưỡng cô con gái quý giá cho mình lấy về làm vợ, cũng như để cha, mẹ vợ biết được rằng các con đang có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Pây Tái cũng là dịp để người con rể thể hiện tấm lòng biết ơn của mình với cha, mẹ vợ – Ảnh minh họa: Internet.
Lễ vật “Pây Tái” thường có hai sản vật đặc trưng nhất định phải có, đó là: Một đôi vịt bầu béo ngon (tiếng Tày là Tua Pất); vài chục chiếc Bánh Gai (tiếng Tày là Pẻng Tải).
Bánh gai được làm từ gạo nếp thơm ngon nhất xay mịn thành bột nhuyễn, nhào trộn với lá cây Gai đã giã nhỏ đun nhừ với mật mía, hoặc đường đỏ, nắm thành từng nắm tròn to bằng quả trứng vịt, nhồi nhân đỗ xanh, sau đó gói bằng lá chuối tươi đã phơi một nắng rồi đem hấp lên, khi bánh chín rất dẻo, có mùi thơm ngon rất đặc trưng. Ngoài ra, còn có một số đồ khác như: Rượu, hoa quả… tùy thuộc vào mỗi gia đình.
Bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 15 cảnh tượng “Pây Tái” diễn ra trên khắp các nẻo đường từ vùng sâu vùng xa, từ chốn thôn quê đến thành thị không khí thật là tưng bừng như đi chảy hội. Từng gia đình, bố, mẹ, con cái bồng bế, đưa nhau về nhà Ngoại, ngày xưa chủ yếu gồng gánh đi bộ, đi xe đạp, giờ xe máy, ô tô đủ cả.
Vui và ấn tượng nhất là tiếng vịt kêu “quàng quạc” khắp nẻo đường. Một bầu không khí rộn ràng tràn đầy tình yêu thương và năng lượng sống. Về đến nhà Ngoại, sau lễ chào hỏi, tay bắt mặt mừng, tất cả cùng sửa soạn bữa cơm cúng gia tiên, sau đó đại gia đình cùng quây quần bên mâm cơm.
Các món ăn được chế biến từ vịt vô cùng ngon và đặc sắc như: Vịt quay, vịt nướng lá mắc mật, vịt nấu canh măng… nếu ai từng ăn thì không bao giờ quên được hương vị đặc biệt của nó.
Tôi tin rằng, phong tục độc đáo, đẹp đẽ và vô cùng nhân văn này sẽ sống mãi theo thời gian trong cuộc sống của người Tày ở Cao Bằng.
Sau khi chia sẻ về Tết Rằm tháng Bảy với độc giả của Hoa Đất Việt, tôi cũng sẽ thu xếp đồ đạc để cùng chồng và con gái “Pây Tái” Cao Bằng…