5 trường hợp là minh chứng hùng hồn cho câu nói “sinh nghề tử nghiệp”
Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều các phát minh thiên tài của nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Nhưng không ít người trong số đó đã trở thành “nạn nhân” của chính sáng chế do mình tìm ra, đúng như câu nói “sinh nghề tử nghiệp”.
Marie Curie
Marie Skłodowska Curie là một nhà vật lý và hoá học, bà nổi tiếng vì là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel. Curie đã phát minh ra một phương pháp giúp khám phá các nguyên tố phóng xạ radium và polonium. Bà bị chết vì thiếu máu trầm trọng do tiếp xúc kéo dài với bức xạ phát ra từ các tài liệu nghiên cứu của mình.
Trong quá trình nghiên cứu, bà có mang theo các ống nghiệm radium trong túi và do đó đã bị phơi nhiễm với bức xạ. Vì thế bà trở nên thiếu máu trầm trọng và chết năm 1934 ở tuổi sáu mươi sáu. Cho đến ngày nay những đồ dùng cá nhân và sách vở của bà cũng bị nhiễm bẩn phóng xạ và không được dùng đến. Những người muốn tham khảo chúng phải mặc quần áo bảo hộ trước khi nghiên cứu.
Karel Soucek
Karel Soucek đã chế tạo ra một chiếc thùng hấp thụ sốc. Ông qua đời sau một cuộc biểu diễn trong thùng khi bị rơi khỏi mái vòm của Houston Astrodome.
Karel Soucek là một diễn viên đóng thế chuyên nghiệp tại Canada. Ông quyết định xây dựng một viện bảo tàng trưng bày các đồ vật gắn bó với mình.
Để gây vốn cho dự án, vào ngày 19 tháng 1 năm 1985, Soucek ngồi trong thùng để thả rơi 55 mét trên sàn của Astrodome. Chiếc thùng được thả xuống và bắt đầu quay tròn khi rơi xuống sàn. Do quá vội vã, chiếc thùng đã bị thả trúng bờ thay vì hạ cánh ở giữa bể chứa nước. Tai nạn nghiêm trọng đã khiến Soucek bị thương. Ngực và bụng của ông bị nghiền nát và xương sọ thì gãy. Ông đã qua đời tại bệnh viện trong khi show trình diễn vẫn tiếp tục.
Sabin Arnold von Sochocky
Người đàn ông này đã phát minh ra sơn phát quang radium đầu tiên và chết vì thiếu máu trầm trọng do tiếp xúc với chất phóng xạ.
Tiến sĩ Sabin Arnold von Sochocky là người phát minh ra sơn radium. Công ty của ông, Radium Luminous Material Corporation, đã tung ra thị trường loại sơn “Undark”. Ban đầu, nó trở nên khá phổ biến. Nhưng ngay sau đó, các công nhân, đặc biệt là phụ nữ bắt đầu bị nhiễm bẩn phóng xạ nghiêm trọng vì họ đã vô tình nuốt vô số vật chất phóng xạ và bắt đầu trải qua những tổn thương và đau đớn. Tiến sĩ Sabin Arnold von Sochocky cũng bị ảnh hưởng bởi sự phơi nhiễm phóng xạ. Ông qua đời vào tháng 11 năm 1928 do thiếu máu nghiêm trọng vì tiếp xúc với chất phóng xạ.
Horace Lawson Hunley
Hunley là người phát minh ra tàu ngầm chiến đấu đầu tiên. Ông qua đời trong một thử nghiệm với chiếc tàu của mình.
Horace Lawson Hunley là một kỹ sư hàng hải liên lục địa trong nội chiến Hoa Kỳ. Sau hai lần thất bại, ông đã phát minh ra tàu ngầm chạy bằng tay. Một trong những chiếc tàu ngầm nổi tiếng nhất của ông được đặt tên là H. L. Hunley.
Vào ngày 15 tháng 10 năm 1863, Hunley quyết định chỉ huy tàu ngầm trong một cuộc luyện tập như thường lệ. Chiếc tàu bị chìm và tất cả tám thủy thủ đoàn đã qua đời kể cả Hunley. Ông được chôn cất với nhiều phần thưởng quân sự vinh dự tại Nghĩa trang Magnolia ở Charleston, Nam Carolina vào ngày 8 tháng 11 năm 1863.
Sylvester H. Roper
Roper đã phát minh ra chiếc xe đạp chạy bằng hơi Roper và chết vì tai nạn trong cuộc thử nghiệm tốc độ ban đầu.
Nhà phát minh người Mỹ, Sylvester Howard Roper, là một nhà xây dựng tiên phong trong lĩnh vực ôtô và xe máy thưở ban đầu. Ông cũng phát minh ra súng săn và súng lục. Các phát minh khác của ông là máy may khâu tay và động cơ khí nóng.
Thật không may, chiếc xe cũng là nguyên nhân gây ra cái chết cho ông. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1896, ông đạp xe trên đường đua Charles River, gần cầu Harvard ở Cambridge, Massachusetts. Roper chạy với tốc độ hai phút 1,4 giây mỗi dặm, trong khi tốc độ tối đa là bốn mươi dặm mỗi giờ (sáu mươi bốn cây số trên giờ). Nhưng đột nhiên ông lắc lư và ngã trên đường đua khiến bị thương đầu và tử vong. Sau khi khám nghiệm tử thi, nguyên nhân tử vong đã được tìm thấy là do suy tim. Người ta không rõ liệu vụ tai nạn khiến tim ông bị ảnh hưởng hay liệu tim của ông đã có vấn đề trước khi tai nạn xảy ra.
Khi quyết định thử một điều gì đó mới lạ, khác thường bạn phải chấp nhận những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn trong đó. Như các nhà sáng chế trên, họ đã hy sinh cả mạng sống và được lưu danh trong sử sách vì đã góp phần vào sự tiến bộ của toàn nhân loại.
Theo Thethaovanhoa.vn