5 lí do nên dũng cảm thừa nhận sai lầm
Không ai muốn mắc sai lầm nhưng có một thực tế là chúng ta không thể tránh khỏi mắc lỗi, quan trọng là thái độ ứng xử với nó khi xảy ra vấn đề. Nếu chẳng may phạm sai lầm nào đó trong công việc, thì tốt nhất hãy dũng cảm thừa nhận và tìm cách khắc phục thay vì trốn tránh hoặc đổ lỗi.
Với 5 lí do sau đây, bạn sẽ trả lời được câu hỏi tại sao nên dũng cảm thừa nhận sai lầm của bản thân để từ đó giúp bạn tốt hơn từng ngày.
Không làm cho tình hình tệ hơn
Thừa nhận sai lầm đôi khi giúp giải quyết mọi việc ổn thỏa, gọn gàng hơn vì chính bạn ở trong thế chủ động. Nếu thực sự lỗi do bạn gây ra, tốt nhất nên nhận lấy trách nhiệm và tìm cách khắc phục sự việc ngay lập tức, phải đứng ra gánh vác và giải quyết các vấn đề liên quan. Bạn tuyệt đối không nên trốn tránh.
Trong trường hợp bạn không nhận trách nhiệm thì chính những người liên quan, sếp hoặc đồng nghiệp chẳng hạn sẽ bắt buộc bạn phải nhận lỗi. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín của bạn mà còn làm xấu đi sự nghiệp phía trước. Do đó, dũng cảm thừa nhận sai lầm của chính mình là cách đầu tiên làm cho tình hình không trở nên phức tạp, sau đó mới là các phương án tháo gỡ.
Để rút ra bài học và tránh sai lầm tương tự
Có một số người khi mắc sai lầm nào đó thường không dám nhìn nhận sự việc như đúng bản chất của nó mà tìm cách trốn tránh ngay cả với chính bản thân mình. Họ tự trấn an rằng đó không phải là lỗi của mình, mà là do các yếu tố khác gây ra. Suy nghĩ này rất nguy hiểm bởi vì họ sẽ khó nhìn nhận ra được đúng lỗi và tiếp tục phạm sai lầm.
Do đó, khi bạn dũng cảm thừa nhận sai lầm của chính mình, bạn sẽ rút ra được bài học và ghi nhớ nó để đảm bảo rằng mình sẽ không lặp lại lỗi tương tự. Điều này sẽ giúp bạn thận trọng hơn và hành động khách quan hơn, chính xác hơn.
Để tiến bộ hơn
Nếu bạn muốn tiến bộ hơn, chắc chắn bạn sẽ phải dũng cảm thừa nhận thiếu sót của mình. Vì qua những lần làm sai, bạn sẽ học thêm nhiều bài học giá trị thực tế và thấm thía nhất, có khi đó là cả sự đánh đổi về thiệt hại tinh thần, vật chất và cả uy tín cá nhân. Nhờ việc dũng cảm thừa nhận sai lầm, bạn chứng tỏ cho mọi người thấy tinh thần cầu tiến, đúng sai rõ ràng để thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn.
Những người đồng nghiệp giỏi xung quanh rất sẵn sàng chỉ bày cho người có tinh thần cầu tiến, khiêm tốn và chịu khó học hỏi. Bạn sẽ học được rất nhiều thứ từ họ. Ngược lại, với người bảo thủ và hèn kém không chịu nhận lỗi sẽ bị cấp trên và đồng nghiệp xa lánh và không muốn góp ý.
Không trở thành thói quen xấu
Việc thẳng thắn thừa nhận sai lầm sẽ giúp bạn có tâm lí thoải mái hơn và đặc biệt là không hình thành nên thói quen xấu như bao biện và đổ lỗi cho các yếu tố khác. Trên bước đường làm việc lâu dài về sau để xây dựng sự nghiệp, bạn sẽ tự có ý thức và kỉ luật cho chính bản thân. Nếu không may mắc phải một sai lầm nào đó bạn sẽ có cách hành xử phù hợp nhất, bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Ai cũng đánh giá cao người thẳng thắn, trung thực. Nếu bạn là người sẵn sàng thừa nhận sai lầm thì chứng tỏ bạn là người có trách nhiệm và hành xử rất văn minh. Điều này sẽ tạo ấn tượng đặc biệt không chỉ cho cấp trên, đồng nghiệp mà tất cả mọi người xung quanh.
Mặc dù việc thừa nhận sai lầm của chính mình không phải là điều dễ dàng nhưng để xây dựng được thương hiệu cá nhân tốt, được mọi người tin tưởng và coi trọng, một trong những cách tốt nhất là dám nhận ra cái sai của chính mình để sửa đổi. Có như vậy bạn mới giữ được uy tín và hình ảnh mình nơi công ty.
Trưởng phòng Nhân sự Công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink chia sẻ, không ai đảm bảo rằng mình không mắc sai lầm, đặc biệt là trong công việc. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng để tránh tối đa phạm sai sót nhất là khi nó sẽ ảnh hưởng đến người khác (về sức khỏe, tính mạng, danh dự, tổn hại vật chất, tinh thần…). Nếu không may phạm sai lầm, cách tốt nhất là thẳng thắn nhận lỗi và tìm cách khắc phục chứ tuyệt đối không nên né tránh để gây hậu quả tệ hơn. Dũng cảm nhận lỗi đồng nghĩa với việc bạn là người hiểu biết, có tự trọng, có ý thức và luôn muốn học hỏi, hoàn thiện mình để ngày một tốt hơn.
Đặng Hảo