5 điều hay từ nhà quản lý nhân viên nên học hỏi
Bạn sẽ làm gì để bản thân mình được giỏi hơn và tốt hơn? Đó chính là học hỏi không ngừng ngay cả khi đã có một công việc đúng với chuyên môn. Học hỏi để sáng tạo và nâng cấp bản thân lên một nấc thang mới. Việc học hỏi bắt đầu từ nhiều nguồn khác nhau và nhà quản lý của mình chính là người bạn nên học hỏi. Nếu chịu khó quan sát và có ý chí cầu tiến, bạn sẽ học được 5 điều đáng giá sau đây.
Cách chịu áp lực và cân bằng công việc
So với nhân viên, vị trí quản lý phải chịu áp lực cao hơn gấp nhiều lần nên họ phải học cách cân bằng các khía cạnh cuộc sống của mình. Áp lực đến từ công việc, từ các vấn đề xảy ra trong nội bộ đội ngũ nhân viên của mình và đặc biệt là từ phía cấp giám sát cao hơn.
Nhà quản lý hơn ai hết là người phải nắm rõ được công việc về cả tổng thể cũng như chi tiết, tìm các phương án tối ưu nhất để giải quyết các sơ suất hoặc sai sót nếu có. Họ chính là người đóng vai trò chủ chốt trong mọi việc, nên chỉ một chút sai lầm nhỏ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến công việc chung. Do đó, dù phải thường xuyên chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía nhưng điều mà nhân viên học hỏi được vị trí quản lí chính là cách rèn luyện bản thân để đối mặt với áp lực khi tìm việc làm cũng như trong quá trình thực hiện công việc.
Cách giải quyết vấn đề
Là người ở cương vị quản lí họ không thể giải quyết các vấn đề theo cảm tính hoặc hời hợt. Điều đặc biệt là họ phải học và rèn luyện được khả năng giải quyết vấn đề thấu đáo, công bằng, từ nhiều phương diện. Họ luôn có những giải pháp dự phòng cho các vấn đề mà một nhân viên bình thường không thể nghĩ đến để công việc không bị bế tắc.
Bên cạnh đó, nhà quản lý nhất định phải có cách cư xử linh hoạt và khôn ngoan, tùy vào tính cách của từng nhân viên để có cách ứng xử phù hợp và khéo léo để dung hòa các mối quan hệ, làm dịu đi sự xung đột… Điều này sẽ giúp họ làm hài lòng đa số các nhân viên, không gây thù ghét và tị nạnh lẫn nhau.
Xây dựng uy tín, sự tôn trọng của mình đối với nhân viên cấp dưới
Làm thế nào để thuyết phục người khác nghe theo ý kiến và các yêu cầu của mình ngay khi họ không muốn? Làm thế nào để cả cấp trên và nhân viên dưới cấp tôn trọng và tin tưởng? Đó là cả một quá trình dài không phải dễ dàng đạt được. Họ đã phải làm việc tốt, nỗ lực hơn gấp nhiều lần so với người bình thường khác, kiên trì rèn luyện bản thân và biết cách xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nếu bạn tinh tế và muốn “nâng cấp” bản thân thì nên học hỏi từ họ những điều này. Đừng ngại chia sẻ mong muốn được họ hướng dẫn từng bước từ thực tế làm việc cũng như vận dụng óc quan sát và rèn luyện theo.
Năng động, sáng tạo
Một người ù lì, lười biếng và thụ động chắc chắn sẽ không bao giờ có cơ hội được đề bạt làm quản lí. Ngược lại vị trí này thường dành cho những người năng động, nhiệt huyết và tích cực. Họ phải là người có năng lực tư duy, sáng tạo, vận động không ngừng để đáp ứng cho yêu cầu của công việc.
Nếu bạn là nhân viên có óc cầu thị và đặt mục tiêu được thăng tiến cao hơn thì nên học hỏi từ nhà quản lý của mình phong cách làm việc năng động, quyết đoán và tràn đầy hứng khởi ngay khi công việc gặp rắc rối. Họ chính là người truyền cảm hứng và khơi dậy tinh thần làm việc sáng tạo cho toàn thể nhân viên của mình.
Kết nối
Là nhà quản lý, làm sếp những người khác, họ không thể thiếu yếu tố cần thiết đó là kết nối tất cả mọi người: kết nối giữa nhân viên mới với cũ, giữa các phòng ban, cấp trên cấp dưới… Điều này rèn luyện cho họ kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử thông minh để phù hợp với mọi đối tượng. Họ không thể bó buộc mình trong các mối quan hệ hạn hẹp, cảm tính mà phải mở rộng các mối quan tâm và thường xuyên xây dựng mối quan hệ với nhiều đối tượng với tính cách vai trò và vị trí khác nhau. Điều này sẽ phục vụ cho công việc được thuận lợi.
Ngoài những điều trên, nhân viên còn học hỏi được từ quản lý của mình về tinh thần trách nhiệm, thái độ tích cực, tự tin, quyết đoán và sự chuyên nghiệp khi xử lý công việc…
Một nhà quản lý tốt chính là người thầy vĩ đại và thực tế nhất của nhân viên. Họ là người kề vai sát cánh từ chính công việc thực tế hằng ngày. Nếu bạn may mắn gặp được nhà quản lý có một số phẩm chất ưu tú và kĩ năng lãnh đạo tốt thì đừng bỏ qua cơ hội học hỏi những điều quý giá này. Đừng quên nỗ lực rèn luyện bản thân trở thành người giỏi và chuyên nghiệp, là nhân viên sáng giá cho những vị trí cao hơn.
Lê Lê