5 bí quyết đối phó với đồng nghiệp “khôn lỏi”
Nơi công sở giống như một xã hội thu nhỏ, nên bạn buộc phải đối diện với lắm kiểu người. Trong đó, bạn cần đặc biệt cảnh giác với kiểu đồng nghiệp “khôn lỏi”. Bởi vì họ luôn chỉ chăm chăm làm lợi cho bản thân, nên sẽ gây ra nhiều phiền toái không cho riêng bạn mà còn với cả tập thể.
Để có thể tránh sự thiệt thòi, đồng thời vẫn giữ được quan hệ hài hòa đúng mực với đồng nghiệp khôn lỏi, hãy cùng tham khảo 5 cách ứng xử sau đây nhé!
Tham khảo các thông tin tuyển dụng việc làm mới nhất tại careerlink.vn
Chuẩn bị sẵn phương án với những tình huống lặp lại
Với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử nơi công sở, hẳn sẽ nhiều lần bị đồng nghiệp nhờ vả mà nói thẳng ra là đùn đẩy trách nhiệm. Luôn viện lý do bận đột xuất để nhờ bạn làm giúp khi gặp những nhiệm vụ “khó nhằn” hay những việc công ty kêu gọi sự tự nguyện của nhân viên… Đó chính là kiểu cách của người “khôn lỏi”. Một vài lần thì không sao, nhưng nếu chuyện đó cứ lặp đi lặp lại, hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết từ chối. Hãy chuẩn bị sẵn tâm lý và các lý lẽ thuyết phục để thoái thác, tránh rơi vào thế “bị động” phải chấp nhận sự nhờ vả.
Quan sát và rút kinh nghiệm từ người khác
Nếu như bạn may mắn chưa bị nhờ vả thì hãy chủ tâm quan sát xem các “nạn nhân” trước đó. Cách làm này không chỉ giúp bạn hiểu được tâm lý “khôn lỏi” của đồng nghiệp, mà còn đoán trước tình huống xảy đến để xử trí kịp thời.
Tuy nhiên, bạn không cần phải quá chăm chăm soi mói “nhất cử nhất động”, mà chỉ nên quan sát từ tốn và đặt vài câu hỏi trọng tâm với đồng nghiệp liên quan. Từ đây, bạn sẽ rút tỉa được kinh nghiệm riêng nếu một ngày bản thân rơi vào cảnh “oan trái” tương tự.
Tạo mối quan hệ tốt với mọi người
Nếu bạn là nhân viên mới hoặc cảm thấy khá lép vế và non nớt trước các đồng nghiệp “khôn lỏi” bẩn tính, bạn nên tìm cách tạo mối quan hệ tốt với càng nhiều người càng tốt. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, điều này giúp bạn không còn cảm thấy đơn độc. Ngoài ra, bạn có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp “cứng cựa” và còn được hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Tuy nhiên, bạn hãy xem xét kĩ chứ đừng tùy tiện kết giao với người chuyên buôn chuyện, ngồi lê đôi mách hoặc những người có quan điểm quá khác biệt với mình, khiến mọi việc càng thêm rắc rối.
Chủ động tránh xa
Dân gian có câu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nên nếu có thể thì bạn hãy hạn chế tiếp xúc hoặc liên quan đến đồng nghiệp “khôn lỏi”, đặc biệt là trong những trong các “chuyện vặt” thường ngày. Bởi khi bạn đã có khoảng cách nhất định với họ, thì họ cũng ít có cơ hội tác động, gây phiền phức cho bạn.
Nhưng lưu ý là bạn chỉ nên giữ cự li an toàn, chứ không phải kiểu hoàn toàn xa lánh họ. Bởi dù sao, các bạn cũng là đồng nghiệp trong công ty, sẽ có lúc bạn và họ phải làm việc, trao đổi với nhau. Ngoài ra, thái độ xa lánh có thể khiến cấp trên và các đồng nghiệp khác hiểu sai về bạn, cho rằng bạn cố chấp, có thành kiến cá nhân và thái độ thiếu chuyên nghiệp nơi làm việc.
Báo cáo trực tiếp với cấp trên
Đôi lúc, mặc dù đã thử khá nhiều cách, nhưng bạn thực sự không thể chịu đựng được sự “khôn lỏi” oái oăm của đồng nghiệp. Vì một số người “khôn lỏi” có thể đi xa đến độ họ có thể “cướp công” bạn, hoặc khiến bạn mất mặt trước cấp trên với mục đích “dìm hàng” bạn. Khi đó, bạn đừng im lặng nhẫn nhịn mà hãy mạnh dạn nhờ đến sự can thiệp từ cấp trên. Nhưng lưu ý rằng nên chuẩn bị sẵn cuộc nói chuyện phù hợp, riêng tư với sếp để tránh sự hiểu nhầm. Lời khuyên là bạn cần giữ tối đa hòa khí trong khi trao đổi, và nên trình bày chân thực, rõ ràng nhất có thể.
Thực tế, ai cũng có lúc gặp phải những người đồng nghiệp khó ưa, khôn lỏi… nhưng đừng vì thế mà trở nên căm ghét họ một cách nặng nề. Thay vì vậy, bạn nên tìm cách xử trí khôn ngoan để giữ mối quan hệ hòa nhã với đồng nghiệp vì lợi ích chung của tập thể.
Trung Thành