Gia đình

Dùng kinh tế để làm chủ cuộc sống hôn nhân

 “Phát triển kinh tế là cách an toàn nhất của hôn nhân hạnh phúc. Cho dù điều này nghĩa là phân công lao động hợp lý hay phân bổ thời gian, tiền bạc và năng lực một cách hiệu quả”. Đó là chia sẻ của hai tác giả cuốn sách Using Economics to Master Love and Marriage and Dirty Dishes (tạm dịch: Dùng kinh tế để làm chủ tình yêu và hôn nhân), Paula Szuchman và Jenny Anderson.

Yếu tố thị trường và sự công bằng

Hôn nhân giống như trên một thị trường có hai đối tác đang giao dịch hàng hóa và dịch vụ. Khi một đối tác bất mãn, cảm thấy sự đóng góp của mình không được đánh giá công bằng, thị trường sẽ thất bại. Cách giải quyết tình huống này: hãy xác định những thứ mà cả hai cùng cho là không có giá trị và chỉ kinh doanh những thứ bạn nghĩ chúng đáng giá. Ví dụ, nếu nghĩ rằng bạn đời không đánh giá cao những công việc nhà bạn làm mỗi tuần, hãy hỏi anh/cô ấy có thể đi làm về sớm một ngày nào đó trong tuần, để bạn có một buổi tối rảnh rang bên ngoài với bạn bè, anh/cô ấy sẽ làm thay bạn những công việc này.

Có thể bạn đời từ chối thừa nhận những vấn đề như vậy, vì chúng dễ dàng để điều chỉnh và giả vờ như mọi thứ đều ổn. Khi ấy, hai người phải cùng ngồi lại để phân tích. Chẳng hạn, làm việc bảy ngày trong tuần, chúng ta sẽ có nhiều tiền hơn để tận hưởng cuộc sống sau này. Tuy nhiên, vẫn còn cách khôn ngoan khác là làm việc năm ngày trong tuần và dành hai ngày cuối tuần bên nhau, nghĩa là mỗi người phải tập trung cao độ trong những ngày làm việc, nhưng mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi dành toàn bộ thời gian cuối tuần cho gia đình.

Nếu trong nền kinh tế thị trường, cần phải cân bằng các yếu tố để đạt được phân bổ tối ưu các nguồn lực, thì trong hôn nhân, phân công việc nhà thiếu công bằng cũng sẽ dẫn đến những cuộc chiến dai dẳng giữa các cặp đôi. Mâu thuẫn vợ chồng sẽ bớt đi khi mọi thứ được phân bổ một cách công bằng.

Phác thảo kế hoạch kinh doanh và báo cáo tài chính

Các doanh nghiệp thành công phải đặt ra những ưu tiên và quyết định cần tập trung nguồn lực ở đâu. Vợ chồng cũng vậy, lên kế hoạch ai sẽ là người dành dụm tiền bạc cho tương lai, như kế hoạch nghỉ hưu, trường hợp khẩn cấp, ai lo chi phí học hành của con cái và cuộc sống hiện tại, như thanh toán hóa đơn hằng tháng, nhu cầu thư giãn, giải trí… Bạn có thể sẽ cần nhiều mục tiêu hơn để đạt được những kế hoạch này, vì thế vợ chồng cùng quyết định điều gì quan trọng nhất và có cách chia sẻ hợp lý khoản thu nhập của hai người.

Để thực hiện báo cáo tài chính, cần có một bản cân đối tài sản, gồm tài sản thực trừ đi các khoản nợ và một bản báo cáo về thu nhập và chi phí phát sinh hiện tại. Hãy dùng những tài liệu này để đánh giá tình trạng tài chính, các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như chi tiêu nhiều hơn mức thu nhập, đồng thời theo dõi quá trình tích lũy tiền bạc của hai vợ chồng.

Hôn nhân cũng giống doanh nghiệp và bạn có thể dựa vào những quan điểm của tổ chức công ty để thay đổi những điều chưa hoàn chỉnh trong cuộc hôn nhân của mình.

Theo Reader’s Digest & Fox Bussiness

Chia sẻ bài viết này