Gia đình

Yêu nhau như thuở ban đầu…

 Bạn đời là người đồng hành, an ủi chúng ta cả về mặt cảm xúc và thể chất khi ta cần. Nhưng sau nhiều năm kết hôn, người ấy có thể bắt đầu cảm thấy giống như một “bạn cùng phòng” hơn là người yêu lãng mạn.

Có thể vì cả hai quá bận với công việc và con cái, có thể vì lửa tình yêu không còn nữa, hay vì hai người đã có những cách nghĩ khác nhau… Dù vì lý do nào, các chuyên gia cũng có những lời khuyên giúp các cặp đôi “tìm đường trở lại và giữ lửa yêu thương”.

Hãy ôm nhau… lâu hơn

“Hầu hết các cặp đôi đã kết hôn chỉ ôm nhau trong vòng ba giây hoặc thậm chí ít hơn”, nhà tâm lý học Wendy Walsh cho biết. Trong khi đó, theo các nghiên cứu khoa học, một cái ôm kéo dài 20 giây sẽ kích thích giải phóng oxytocin – hormone tình yêu làm tăng sự gắn bó mật thiết giữa hai người. “Tôi khuyên các cặp đôi nên ôm nhau hai đến ba lần mỗi ngày và nên là một cái ôm đủ lâu, đủ ấm áp. Nó có thể làm thay đổi cơ chế hóa sinh và làm cho các bạn cảm thấy gắn kết nhau hơn”, bà Wendy Walsh chia sẻ.

Giới hạn sử dụng công nghệ

“Nếu bạn chưa áp dụng một chế độ kiêng công nghệ dành cho gia đình và mối quan hệ của bạn, thì bạn nên sớm làm điều đó”, chuyên gia Wendy Walsh nói. Không gì có thể làm hại đến sự giao tiếp bằng chuyện “người thì dán mắt vào màn hình điện thoại, người còn lại đang cố nói chuyện với người kia”. Đặc biệt, nên hạn chế sử dụng điện thoại và tivi vào giờ ăn và trong phòng ngủ hoặc nên thỏa thuận với nhau về thời gian có thể sử dụng thiết bị công nghệ.

Một kỳ nghỉ

Nên sắp xếp thời gian để tách hai người khỏi những trách nhiệm thường nhật. Một chuyến đi xa có thể giúp cả hai lại quan tâm nhau hơn hay thậm chí một chuyến du lịch tại chỗ, khám phá chính địa phương mà các bạn đang sống hoặc một kỳ nghỉ cuối tuần tại nhà – nếu biết tổ chức một cách phù hợp – cũng đủ để làm mới mối quan hệ, sự gắn kết của hai người. “Trước khi bắt đầu chuyến đi, nên trò chuyện thẳng thắn về những mong đợi của hai người”, Alexandra Solomon – nhà trị liệu tâm lý tại Đại học Northwestern (Mỹ) nói.

yeu-nhau-nhu-thuo-ban-dau

Nói lời cảm ơn

Các cặp đôi có thể dễ dàng xem những điều tốt đẹp, dễ thương mà bạn đời làm cho mình là “chuyện hiển nhiên, bình thường”. Và thậm chí nếu có để tâm đến thì liệu bạn có cho người ấy biết rằng mình rất biết ơn về điều đó hay không? Lòng biết ơn có ý nghĩa quan trọng. “Hãy đặt một mảnh giấy nhỏ vào vali hay chạm vào cánh tay như một cách bày tỏ sự cảm kích của bạn dành cho hành động của bạn đời”, chuyên gia tâm lý Wendy Walsh khuyên.

Bạn cũng có thể lập một nhật ký và ghi nhận những điều mà bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày – dù nó có liên quan đến mối quan hệ của bạn hay không. Nhật ký này có thể giúp nuôi dưỡng cảm giác hạnh phúc, cởi mở và sẽ giúp cải thiện sự gắn bó với người yêu thương.

Sẵn sàng… hôn nhau

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng hôn nhau thường xuyên thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn chuyện quan hệ tình dục đối với sự thỏa mãn trong quan hệ vợ chồng “Một cái hôn 30 giây mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn, ấm áp và huyền diệu từ hormone tình yêu oxytocin”, chuyên gia tư vấn về quan hệ hôn nhân, tiến sĩ Bonnie Eaker Weil nói. Hãy thực hành chuyện này (ôm và hôn) trước khi đi làm hoặc trước khi lên giường ngủ.

Khen ngợi nhau

Khi đã sống với nhau một thời gian dài, chúng ta dễ chú tâm vào khía cạnh tiêu cực và điều này có thể dẫn đến cảm giác bị tổn thương, sự không hài lòng cho cả hai. Chuyên gia Wendy Walsh khuyên các cặp đôi nên tập trung “tưới tẩm cho cây, cho hoa chứ đừng tưới cỏ dại”. Hãy cho người ấy biết rằng bạn yêu điều gì ở họ – cho dù đó là khía cạnh thể chất, trí tuệ hay cảm xúc. “Điều đó giúp chúng ta nhìn bạn đời bằng một ánh sáng tích cực”, chuyên gia Alexandra Solomon nói.

Yêu nhau như thuở ban đầu…

Quan tâm đến bản thân

Mọi người trở nên thụ động trong những mối quan hệ vì họ đã rời xa nhau và một trong những lý do chính là vì họ không hài lòng với cuộc sống của chính mình. Vì thế, nhà tâm lý trị liệu Solomon khuyến khích khách hàng của bà nên duy trì niềm đam mê của cá nhân – một điều gì đó mà người bạn đời không nhất thiết phải cùng chia sẻ.

Đồng thời, cũng nên quan sát niềm đam mê của người thương. Nếu muốn nhớ đến lý do vì sao bạn yêu người ấy, hãy tìm cách chứng kiến người yêu khi họ đang trong “trạng thái mê đắm”.

Cùng nhau kiến tạo

Những đôi hạnh phúc bền lâu nhất thường cùng chung tay kiến tạo một điều gì đó. “Sự nghiệp chung” đó thường là những đứa trẻ nhưng cũng có thể là một công việc kinh doanh, việc làm thiện nguyện hoặc đơn giản là cùng sửa lại căn nhà. “Khi bạn cùng chung tay vì điều gì đó mà cả hai đều quan tâm, bạn sẽ nhìn bạn đời bằng một ánh sáng khác hẳn”, nhà tâm lý Wendy Walsh cho biết.

Tán tỉnh nhau

Mỗi đôi vợ chồng có cách tán tỉnh nhau riêng, nhưng bất cứ cách nào thể hiện sự “gợi tình, yêu thương và vui tươi” đều sẽ giúp ích nhiều cho mối quan hệ. Có thể bạn cảm thấy ngượng khi gửi một tin nhắn có vẻ ngớ ngẩn cho người bạn đời nhưng nó có thể nhóm lại “ngọn lửa lãng mạn đã nhạt phai”. “Quan trọng là nên tìm một cách nào đó mà cả hai bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ”, nhà tâm lý học Solomon chia sẻ.

Yêu nhau như thuở ban đầu…

Cùng tập thể dục

Cùng nhau luyện tập sẽ làm tăng sự hấp dẫn thể chất, cũng như sự gắn kết về mặt cảm xúc. Hưng phấn về mặt thể chất cũng thường gợi nên sự hấp dẫn lãng mạn. Hãy thử tìm một lớp học hoặc một hoạt động mà cả hai cùng yêu thích như yoga hay khiêu vũ.

Điều chỉnh những mong đợi của bạn

Thực tế thì không có mối quan hệ nào là hoàn hảo cả – và đó là điều quan trọng nhất cần nên nghĩ đến khi bạn cảm thấy không hài lòng với đời sống tình cảm của mình. Bất cứ cuộc sống chung lâu dài nào cũng có những nốt thăng trầm và tình yêu có thể được cảm nhận, bày tỏ bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều người lâm vào khủng hoảng vì thực tế cuộc sống không giống như những mong đợi của họ và họ hy vọng sẽ thay đổi được môi trường. Đôi khi, điều mà họ thực sự cần thay đổi chính là quan điểm của họ.

Theo Health

Chia sẻ bài viết này