Gia đình

Về quê, là sẽ… buồn thương lâu lắm

 Khi đã lớn thành “ông nọ bà kia” rồi, nhiều người đi… họp lớp. Đủ các kiểu bạn. Đời một người có biết bao nhiêu… lớp. Họp lớp thời phổ thông, lớp tập huấn, chuyên môn, ngoại ngữ… Nhưng với chúng tôi, lớp đại học là sâu nặng hơn cả.

Là vì, học thời chiến tranh, xa gia đình, sơ tán tránh bom đạn lên miền núi, một thung lũng của huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Ăn đói, mặc rách, lao động cật lực lên rừng chặt củi, làm nhà đào hầm. Mà toàn đám 17-18 tuổi trẻ măng. Thế nên sau nhiều năm gặp lại, “đứa nào” vẫn tính tình như “đứa đó”, quý nhau lắm. Kể bao nhiêu chuyện “cổ tích” độc đáo, cười ngất. Này là ví dụ:

Ba cô sinh viên ở trọ nhà dân. Bữa ăn chỉ có một cục bột mì luộc với một tô canh gọi là “canh… toàn quốc nấu với rau… mất hút” (toàn nước không thấy rau đâu). Ở nhà dưới, chủ nhà cũng ăn cơm. Khổ nỗi, cơm gạo mới với rau vườn, mấy đứa trẻ con nhà chủ lại không ăn, cứ thèm… bánh lạ, rình xin cục bột mì.

“Cho cháu một miếng”. “Đây, ăn đi” – các cô nói to cho chủ nhà bên dưới bếp nghe tiếng – nhưng thật ra không đưa bánh. Cháu xin vài lần thấy vậy nổi điên lăn ra khóc, la hét vang nhà. Lúc ấy mới hết hồn phải cho một miếng.

Vì sinh viên Văn khoa nên trò chơi cũng khác. Ví dụ một lớp giết heo, đề ra là bài thơ theo luật mỗi câu chỉ dùng một loại dấu thanh. Và đây: “Lợn mẹ bị chọc phọt một chậu – Nhàn ngồi làm lòng cười hì hà – Xuyến thái hý hoáy thấy khó khó – Thủ nhỏ để cả khỏi phải bổ…”.

Thế là dị bản lan khắp nơi: “Cô Tôn Phương Lan tươi như hoa – Nhàn ngồi đầu nhà lòng bần thần – Phước có kính trắng ngó thấy hết – Anh em đua nhau đưa lên khoa – Hỏi Thảng (tên thầy chủ nhiệm), Thảng bảo phải đuổi thẳng…”.

Nhắc bao chuyện cũ, mấy ngày không hết. Nhưng cười vui bao nhiêu, xa nhau lại buồn nhớ bấy nhiêu. Biết bao giờ gặp lại khi đã lớn tuổi, cứ ra đi dần dần…

Một lần họp lớp như thế, ra Hà Nội – là kết hợp về quê. Ngồi ở quán dọc đường, một con bướm đen khổng lồ đến đậu trên thành ghế (nghĩ thầm, cha mẹ biết con đã về rồi?). Về làng, việc đầu tiên là tranh thủ ra mộ ông bà, cha mẹ ngoài đê xa, đi sớm kẻo nắng. Lúi húi nhổ cỏ, thắp hương giữa cánh đồng, lần nào về cũng không biết còn lần sau nữa không, đi làm ăn xa tận Sài Gòn.

“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn – Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng – Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc – Sáo diều vi vút thổi đêm trăng” (Quang Dũng). Quê xứ Đoài tôi đấy. Cùng quê với những tên tuổi gộc, “dữ dằn” cỡ Nguyễn Cao Kỳ, Trần Tiến… Dù mỗi bận về quê là một lần đổi thay, mất đi cái gì đó, thêm ra cái gì mới đó. Chỉ biết chắc ngày càng xa với ngày xưa.

Đến thắp hương nhà thờ họ nội. Bàng hoàng thấy căn nhà cổ Sơn Tây một trăm năm đã biến mất, mọc lên ngôi nhà xây tân thời, khang trang. Trách ai được đây? Nhà thờ họ thuộc thừa kế của một bà chị dâu, chồng mất rồi, con cái ăn nên làm ra, có tiền, không thể cố chịu đựng cảnh khổ của nhà cổ xuống cấp. Dột nát, ngập lụt… Không ai có thể ở đó như vậy, khi cả làng ai cũng nhà tầng đẹp đẽ khang trang. Phải có rất nhiều tiền mới giữ được nhà cổ.

Thế là, lặng lẽ ngồi xuống hàng hiên để chụp ảnh. Về so sánh với tấm hình nhiều năm trước, cũng ngồi hàng hiên ấy, lòng tiếc thương muốn khóc.

Ảnh Hiếu Trần

Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài mây trắng… Để lại mẹ cha, để lại Sơn Tây nay vẫn rất đẹp, còn xanh ngát, dù đô thị hóa, dù đã thành… “Hà nhì”.

Bỏ lại Hà Nội – nay là quê mình rồi – với các em sống tất bật cùng nhịp quay cuồng đô thị thủ đô… Bỏ lại bạn bè và những thời xưa gian khó.

Vậy đó, nên ta nói – Về quê, là sẽ buồn thương lâu lắm…

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết này