Gia đình

Tìm lại sự cảm thông sau tổn thương

Vợ nói với chồng rằng những gì anh vừa nói làm cô rất buồn và tổn thương. Cô yêu cầu anh sau này không được gay gắt như thế nữa. Còn người chồng thì phản ứng lại rằng anh cảm thấy cô không hề tôn trọng mình. Vợ công kích trở lại và giải thích rằng mình làm như thế là không hề sai, đó là do cô phản ứng lại cách hành xử của anh trong thời gian trước đó.

Tim-lai-su-cam-thong-sau-ton-thuong

Chuyện như thế thường xuyên xảy ra với các cặp đôi. Họ tranh cãi xem ai là người đáng được cảm thông, cảm nhận của ai mới là chính đáng. Thường thì hai bên sẽ từ chối bày tỏ sự thông cảm dành cho nhau vì nếu làm thế thì chẳng khác gì “tự nhận mình sai”. Và như thế, họ cũng từ chối cơ hội được cảm thông và công nhận của bạn đời đối với cảm xúc của chính họ.

Khi sự tổn thương, oán giận tích tụ trong một mối quan hệ thì chuyện cảm thông với những cảm nhận của bạn đời sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Lý do là vì bạn có quá nhiều nỗi đau không thể bày tỏ và không được quan tâm đến. Nỗi đau bị bỏ phế này giống như một “bể trầm tích” ngăn cách giữa hai người, đến nỗi chuyện lắng nghe nhau gần như là không thể.

Liệu có hy vọng nào để sự cảm thông lại có chỗ đứng vững chắc trong mối quan hệ và tình thân ái sẽ ấm nồng như xưa? Khi mà quá khứ giống như một bãi mìn thì liệu hiện tại có thể trở thành một vùng đất bình yên?

Câu trả lời ở đây là “có lẽ”, nếu bạn cố gắng. Để “có lẽ” trở thành “có thể”, bạn cần phải chỉ rõ vấn đề và nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, nếu bạn không nhận diện rõ sự oán giận thì nó sẽ không thể tự ra đi. Đây là một dạng “khối u di căn” và sau cùng nó sẽ làm tan vỡ một mối quan hệ.

Đầu tiên, hai người cần cùng nhau vạch ra dự định chung để làm sống lại sự cảm thông trong mối quan hệ và đó nên là một quyết định rõ ràng. Ý định của mỗi người có thể khác nhau nhưng điều quan trọng là cả hai đều mong muốn và sẵn lòng để cùng giải quyết vấn đề. Đôi khi, một trong hai người vẫn chưa sẵn sàng vì vẫn còn tức giận. Nhưng người còn lại vẫn có thể tự nêu ra ý định, dù như thế thì không được lý tưởng, nhưng vẫn có thể mang lại kết quả tích cực.

Sau đó, cùng thảo luận để nhấn nút khởi động lại cho mối quan hệ. Ngày khởi động lại này có thể được ghi nhận như “ngày kỷ niệm mới”. Đó là ngày mà các bạn cam kết bắt đầu lại và bỏ lại phía sau “những chất độc của quá khứ”. Kể từ thời khắc này, những cảm xúc của hai người là thực sự có giá trị và không thể bị chối từ do điều gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Giống như cả hai đang gặp lại, đang yêu và lại quan tâm lẫn nhau.

Đồng thời, hai người nên bắt đầu một cách thức truyền thông mới mà nhà tâm lý trị liệu Nancy Colier gọi là “luân phiên nhau”. Khi người vợ có điều gì đó giận dữ, thất vọng thì cô cần được lắng nghe hoàn toàn và không bị cự tuyệt. Những ngày sau đó sẽ tới phiên người chồng bày tỏ cảm nhận và lý do vì sao mình lại hành xử như thế. Và đến khi anh giãi bày thì cô cũng không được khước từ.

Quy trình này giúp khuyến khích cách lắng nghe chủ động, tích cực và cả sự cảm thông. Lắng nghe mà không phòng thủ giúp giảm bớt khả năng tạo ra những cơn giận mới. Khi biết rằng những cảm nhận của mình không bị chối bỏ, bạn sẽ giải tỏa được cảm giác lo âu, giận dữ và thất vọng. Từ đó, những chiếc rễ của sự gắn bó tình thâm sẽ dần lớn lên.

Sự oán giận, bực tức là chất độc đối với một mối quan hệ. Nó giết chết phần tuyệt vời nhất của tình thâm – sự cảm thông. Vậy nên, đừng để cho mối quan hệ hoặc bản thân chúng ta tiếp tục chịu đựng và tổn thương!

Theo Psychology Today

Chia sẻ bài viết này